"Người lái đò" của cháo trắng
Ruốc là một loại lương khô bổ dưỡng được rất nhiều người ưa thích, đặc biệt là trẻ con. Cách làm ruốc thì lại vô cùng đơn giản. Chỉ cần bỏ ra một xíu thời gian là bạn có thể làm được mẻ ruốc vừa ngon vừa an toàn lại hợp khẩu vị gia đình.
Ruốc hay còn gọi là chà bông, là một món thực phẩm khô rất giàu dinh dưỡng. Món này có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất hiện từ bao giờ chưa rõ nhưng rất phổ biến ở đất nước này. Bộ tứ rau muối, trứng muối, lạc rang muối và ruốc là những món ăn kèm với cháo trắng không thể thiếu trong bữa sáng của hầu hết người Hoa.
Ở Việt Nam, ngoài dùng ăn kèm, ruốc còn được dùng làm topping cho các loại bánh như bông lan trứng muối, bánh mỳ sốt phô mai chảy..v.v... Chưa kể, với những nhà có trẻ nhỏ đang tuổi ăn dặm, nếu dùng ruốc mua ngoài hàng thì các mẹ chắc ít nhiều cũng hơi lo lắng về chất lượng nhỉ?
Vậy thì chờ gì mà chưa cùng vào bếp với Thật Là Ngon?!!!
Để ruốc vừa ngon vừa đảm bảo tính thẩm mỹ thì bạn nên chọn thịt đùi (quả lật), thịt thăn để làm. Thịt ở những phần này sẽ có thớ dài, chất thịt dẻo dai nên khi mình đánh tơi thì ruốc thành phẩm sẽ bông lên rất đẹp. Còn nếu không tìm được thì bạn có thể dùng thịt cốt lết thay thế cũng được nhé.
Thịt mua về bạn rửa qua với rượu, gừng giã và muối hạt để khử mùi. Sau đấy bạn cắt theo thớ thịt thành những khúc dài nhỏ cỡ 2-3 ngón tay. Bạn nào cẩn thận có thể nấu nước sôi thật già và nhúng thịt để loại bỏ các cặn bẩn còn dính trên bề mặt. Nhớ là chỉ cần nhúng chần sơ bề mặt thôi nhé.
Bạn cho thịt vào nồi, đổ nước xâm xấp mặt thịt và cho gia vị vào. Thịt bạn rim lửa nhỏ đến khi cạn nước là vừa nhừ. Bình thường, bạn dùng nồi kim loại thì mất khoảng 30-40 phút là thịt sẽ nhừ nhưng nếu nhà có nồi áp suất hoặc nồi sứ, nồi thủy tinh thì bạn có thể tiết kiệm được kha khá thời gian.
Ngoài những gia vị đã chuẩn bị, tùy khẩu vị bạn có thể cho thêm tiêu, ớt bột hoặc xì dầu trắng cùng ít gừng thái và hoa hồi để món ruốc thêm đậm đà. Về phần đường, nếu bạn dùng đường phèn thì ruốc thành phẩm sẽ thiên vị mặn hơn một chút nhưng vị ngọt sẽ khá thanh.
Lưu ý nhỏ là những gia vị phụ gia có mùi đặc trưng như tiêu, ớt, gừng thì bạn chỉ nên cho ít thôi nhé. Tránh mùi gia vị nồng sẽ át mất mùi thơm tự nhiên của thịt.
Khi làm ruốc, khâu mất công nhất có lẽ là xé tơi thịt. Bạn có thể dùng chày cán bột hoặc búa dần thịt để cán/dần dẹt miếng thịt rồi xé sợi kiểu thủ công.
Hoặc bạn giã tơi thịt bằng cối cũng được. Đây được xem là phương pháp truyền thống của người Hoa. Họ sẽ dùng những cối đá lớn và dùng búa giã như kiểu làm bánh giầy ở Việt Nam.
Nếu bạn muốn làm ruốc sợi thì chỉ cần giã dần để thịt vừa tơi rồi xé. Còn bạn nào hay ăn ruốc với cháo hoặc nhà có em bé đang ăn dặm thì có thể giã kỹ để làm ruốc hạt.
Ngoài ra, để tiết kiệm sức lực và thời gian, bạn nào có sẵn máy trộn hoặc máy xay sinh tố (dùng lưỡi so le) thì có thể tận dụng để đánh tơi thịt cho nhanh. Tuy nhiên dùng máy xay sinh tố có một điểm trừ là bạn khó có được ruốc sợi dài và rất dễ xay “quá tay”, làm ruốc bị vụn.
Với cách làm ruốc thông thường thì sau khi đánh tơi thịt, bạn phải cho thịt vào chảo rang (chấy) khô trở lại một lần nữa. Khi chấy bạn cho thêm 1 xíu dầu để sợi ruốc của mình mượt hơn nhé.
Có người thích ăn ruốc còn mềm ướt một chút, người lại thích ruốc phải thật khô. Tùy vào sở thích của bản thân và các thành viên trong gia đình mà bạn chấy khô ruốc tới độ mong muốn nha. Ruốc càng khô, càng mặn thì để được càng lâu. Nhưng ruốc trữ quá lâu sẽ bị "xác", không còn vị ngọt thịt đậm đà như ruốc mới nữa.
Ở công đoạn này, bạn có thể cho thêm vừng (mè), lạc (đậu phộng), hạt điều,... rang để biến tấu món ruốc thêm phần phong phú. Món ruốc hạt ngoài vị ngọt ngọt mặn mặn của thịt còn thêm vị beo béo bùi bùi của các loại hạt nữa. Đây cũng là một cách để bổ sung thêm chất cho các bé con hoặc những người mới ốm dậy rất hiệu quả đấy.
Ở trong Nam, ruốc còn được gọi là chà bông, cái tên này bằng nguồn từ một hành động dùng tay chà thịt cho bông tơi lên khi làm ruốc. Đây là cách để giúp thịt tản nhiệt nhanh hơn.
Nếu ruốc chưa nguội hẳn, bạn cho vào hũ đậy kín cất thì nhiệt tản ra sẽ đọng lại thành hơi nước ở thành hũ. Môi trường ẩm sẽ khiến ruốc bị mốc hỏng.
Tùy vào nguyên liệu sử dụng và các gia vị tẩm ướp mà ruốc thành phẩm sẽ có màu và mùi vị khác nhau. Thường ruốc sẽ có màu vàng mỡ sáng, vị mặn ngọt vừa phải.
Ruốc làm không khó nên bạn có thể làm từng ít một để dùng trong thời gian ngắn. Ở điều kiện bảo quản bình thường (nhiệt độ phòng), ruốc nhà làm trữ được khoảng 2-4 tuần.
Trường hợp làm quà biếu hoặc muốn trữ lâu một chút thì bạn nên làm ruốc mặn một chút và đựng trong những hũ thủy tinh hoặc sành, sứ nhé.
Ngoài ruốc thịt lợn, bạn có thể dùng các nguyên liệu như thịt bò, thịt gà, cá, tôm, nấm,... để làm ruốc. Dưới đây mình sẽ giới thiệu thêm cách làm một vài loại ruốc khác để bạn tham khảo nha.
Để làm ruốc gà, bạn chuẩn bị cho mình 500 g thịt ức gà, 1 thìa canh nước mắm, ½ thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê hạt nêm, ½ thìa cà phê mắc khén (có thể thay bằng tiêu hoặc ớt bột), ¼ thìa bột điều. Bột điều vốn để tạo màu cho đẹp, nếu bạn dùng ớt bột hoặc không thích không cho bột điều cũng được.
Các bước làm bạn thực hiện tương tự như cách làm ruốc lợn. Nhưng khác với thịt lợn, thịt gà mềm và rất nhanh chín nên bạn không cần chần qua nước. Bạn có thể ướp thịt trước rồi rim hoặc rim mềm với chút muối rồi ướp gia vị và rang khô sau.
Khi đánh tơi bạn chỉ dần nhẹ là thịt sẽ rời thành sợi rồi chỉ cần dùng nĩa tãi để ruốc tơi ra thôi.
Thịt gà có vị nhạt hơn thịt lợn nên rất thích hợp để làm ruốc cay. Ruốc càng cay vị càng đậm đà, dùng với cơm nóng đảm bảo ngon xỉu nha.
Ruốc nói chung có cách thực hiện tương tự nhau nhưng tùy vào nguyên vật liệu thành phẩm ra sẽ có “ngoại hình” và hương vị khác nhau chút xíu.
Thịt tôm, cá không có thớ dài như thịt gà, thịt lợn nên sau khi giã, ruốc sẽ tơi thành miếng, sợi ngắn. Đặc biệt, nếu nhà có trẻ nhỏ thì bạn giã ruốc tơi vụn thành hạt nhỏ cho bé dễ ăn càng tốt.
Riêng với ruốc tôm, bạn có thể dùng cả tôm khô lẫn tôm tươi nhưng nếu dùng tôm tươi thì bao giờ ruốc cũng ngọt vị đậm đà hơn.
Về phần ruốc cá, thịt cá trắng nên ruốc thành phẩm sẽ có màu trắng nhợt nhìn rất kém hấp dẫn. Thế nên bạn có thể thêm xíu dầu gấc để vừa tạo màu vừa khiến món ruốc cá trông mỡ màng hơn. Hoặc bạn có thể chọn cá hồi để làm ruốc, vừa ngon, bổ, màu sắc lại rất hấp dẫn.
Đối với những bạn ăn chay, đặc biệt là ăn chay trường thì nấm là một trong những nguyên liệu bổ sung đạm hiệu quả nhất. Ngoài các món làm từ nấm tươi bạn có thể làm thêm ruốc nấm để dành dùng dần.
Bạn có thể làm ruốc nấm bằng nhiều loại nấm khác nhau. Ở công thức ruốc này, bạn chuẩn bị cho mình 100 g chân nấm đông cô rửa qua nước cho sạch bụi. Chân nấm bạn không cần ngâm nha, nếu không nấm sẽ ra mất một phần nước ngọt sẽ rất uổng.
Phần gia vị chay bạn cần có 2 thìa canh hạt nêm từ rau củ, 2 thìa canh xì dầu, 2 thìa canh nước mắm chay, 1 thìa canh dầu hào chay và 1 thìa canh đường. Nếu bạn không ăn chay thì có thể dùng nước mắm và dầu hào nguyên chất bình thường. So với nước mắm và dầu hào chay, loại thường sẽ có vị đậm hơn nên bạn nhớ gia giảm một chút khi nêm nếm nha.
Bạn cho gia vị vào đun với 200 ml nước cho tan đều rồi cho chân nấm vào luộc từ 15-20 phút. Sau khi chân nấm mềm, bạn vớt ra để thật nguội và vắt khô rồi giã thành miếng mỏng. Sau đấy bạn xé sợi nhỏ và cho vào rang chấy khô lại với một xíu dầu ăn là đã hoàn thành món ruốc nấm rồi đấy.
Làm ruốc quá đơn giản phải không nào? Với những công thức làm ruốc mình giới thiệu hôm nay, nếu có thời gian, bạn có thể làm mỗi loại một ít và để dành dùng thay đổi cho gia đình nữa đấy.
Và đừng quên chia sẻ với Thật Là Ngon những mẻ ruốc ngon lành, thơm nức của bạn nhaaaaaaa!!!!
*Ảnh: Nguồn Internet