Món thịt thơm ngon cực kì đưa cơm
Thịt heo 🐷 là một thực phẩm quen thuộc trong các bữa cơm hàng ngày nhưng các món ăn từ thịt lại thường dễ gây ngán. Hãy tham khảo công thức trên Thật Là Ngon để có món thịt kho tàu siêu ngon mà không ngấy nhé.
Có lẽ nhiều người nghĩ thịt kho tàu là món ăn có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng không phải vậy, đây là món ăn chuẩn gốc Việt!
Nguồn gốc tên gọi này có thể là từ nồi thịt kho trên tàu của những người đi biển. Tương truyền, ở thời xa xưa, khi chuẩn bị cho các chuyến tàu ra khơi, họ thường làm các đồ ăn có thể dùng trong nhiều ngày lênh đênh trên biển, trong đó có món thịt kho mặn ngọt này.
Tuy nhiên, theo cách giải thích của nhiều chuyên gia văn hóa, chữ "tàu" trong văn hóa miền Tây có nghĩa là "mặn ngọt lờ lợ" đúng theo sự mô tả mùi vị của món ăn này.
Bởi đây là một món ăn phổ biến trong các mâm cỗ ngày Tết cổ truyền và trong bữa cơm hằng ngày nên có thể nói thịt kho tàu là món ăn quốc dân.
Miếng thịt mềm tan trong nước sốt sóng sánh màu nâu cánh gián với hương vị đậm đà khó chối từ.
Cách làm thì không khó, nhưng để chọn thịt và kho thịt sao cho thật thơm, ngon, đẹp mắt và không bị ngấy thì không hề dễ. Tất cả được bật mí trong chia sẻ dưới đây của Thật Là Ngon. Bạn hãy tham khảo nhé.
Đầu tiên, bạn rửa sạch thịt rồi pha hỗn hợp gồm nước ấm, 1 thìa cà phê muối và nước cốt của ½ quả chanh. Sau đó, bạn cho thịt vào hỗn hợp trên sao cho nước ngập mặt thịt để khử mùi hôi. Bạn ngâm khoảng 15 phút thì cạo lại phần bì cho thật sạch rồi đem rửa sạch với nước lạnh.
Tiếp theo, bạn cắt thịt thành miếng vuông cho đẹp mắt. Bạn cắt kích thước tùy ý cho vừa ăn. Mình thường cắt thịt thành khối vuông có cạnh khoảng 3 cm, khá vừa vặn và thịt mềm nhanh. Bạn có thể chần thịt với nước sôi hoặc để ngăn đá tủ lạnh khoảng 20-25 phút, khi đó miếng thịt cứng cáp hơn thì mình cắt thịt sẽ dễ dàng và vuông vắn hơn.
Bạn chuẩn bị cốt hành tỏi bằng cách giã nhỏ 2 củ hành khô, 4 nhánh tỏi và 1 quả ớt sừng. Việc giã nhuyễn sẽ giúp cho tinh dầu từ hành, tỏi tiết ra nhiều hơn giúp thịt ngấm tốt hơn và thơm hơn. Còn ớt sừng giã sẽ giúp cho thịt có màu tươi hơn. Nhưng nếu bạn là người không ăn cay có thể bỏ qua.
Tiếp đó, bạn cho thịt vào âu rồi cho gia vị ướp gồm: 2 thìa canh cốt hành tỏi ớt giã ở trên, 4 thìa canh đường, 1 thìa canh hạt nêm, 1 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê nước cốt chanh, 2 thìa canh nước mắm, 1,5 thìa canh nước màu và 1 thìa cà phê hạt tiêu.
Nước cốt chanh sẽ giúp phần mỡ được trong hơn và thịt nhanh mềm hơn khi kho.
Về nước màu, tùy theo độ sánh, đậm nhạt, bạn hãy linh hoạt gia giảm thêm nhé. Trong công thức này, mình sử dụng nước màu tự làm, có màu cánh gián và không bị đắng, bạn tham khảo cách làm nước màu kho thịt, cá bên dưới nhé. Bạn lưu ý, không nên cho nhiều nước màu quá, vì khi kho thịt lâu, nước màu cũng trở nên sậm màu hơn.
Phần cốt hành tỏi ớt giã, bạn lấy 1 nửa rồi vắt nước vào âu thịt rồi bỏ phần xác đi, 1 nửa còn lại bạn cho vào âu. Điều này giúp nước thịt không bị lợn cợn và đục sau khi kho.
Sau đó, bạn dùng tay trộn nhẹ nhàng cho thịt thấm đều gia vị. Bạn nên đeo găng tay khi trộn để đảm bảo vệ sinh nhé. Bạn bọc lại rồi để khoảng 1-3 giờ trong tủ mát. Để càng lâu thì thịt càng thấm gia vị, thơm hơn và có màu đẹp hơn.
Trước khi kho, bạn hãy áp chảo thịt cho thịt săn lại và nước màu thấm vào bề mặt thịt. Đồng thời, thịt cũng thơm hơn, bớt mùi hôi, tanh.
Bạn bắc chảo chống dính lên bếp, chờ chảo nóng thì bạn cho 1 thìa canh dầu ăn vào. Sau đó, bạn cho thịt vào. Khi mặt thịt săn lại thì bạn lật các mặt và áp chảo cho đến khi các mặt thịt đều săn lại thì đem kho.
Bạn chuẩn bị hỗn hợp gia vị kho gồm 1,3 lít nước, 1 thìa canh đường, 1 thìa cà phê muối, 2 thìa canh nước mắm và 2/3-1 thìa canh nước màu.
Nếu muốn bạn có thể thay thế nước bằng nước dừa cho mùi thơm và vị thanh mát hơn. Nhưng với các nguyên liệu trong công thức thịt kho tàu này, bạn cũng có được thành phẩm rất thơm và đẹp mắt.
Bạn cho thịt sang 1 nồi khác có thành cao rồi đổ hỗn hợp gia vị kho vào. Với phần gia vị vừa ướp thịt, bạn đổ vào chảo vừa rán thịt đun sôi lăn tăn rồi cho vào cùng với nồi thịt nhé. Làm vậy bạn sẽ giúp tráng phần mỡ thịt chảy ra trên chảo và cũng sẽ giúp rửa chảo dễ hơn.
Sau khi cho toàn bộ nước và các gia vị ướp thì nước sẽ ngập mặt thịt.
Bạn đun trên lửa to cho đến khi thịt sôi. Khi thịt sôi thì bạn hạ lửa vừa và hớt bọt để nước thịt trong hơn.
Đồng thời, bạn cho 2 củ hành tây nhỏ cắt đôi giúp thịt kho thơm hơn và 2-3 quả ớt vào kho cùng. Bạn không nên cắt nhỏ hành tây bởi khi hành mềm, bạn sẽ dễ dàng lấy hành ra và không làm nước bị đặc sánh.
Bạn tiếp tục đun trong khoảng 1 giờ với lửa nhỏ, nếu miếng thịt to hơn thì bạn đun lâu hơn để thịt được mềm nhé. Trong thời gian này, bạn không đậy nắp để tránh nước đục. Bạn nhớ hớt bọt vài lần trong quá trình kho nhé.
Để giúp ninh thịt nhanh mềm hơn thì bạn có thể thả một miếng lá chuối lên trên mặt thịt. Lá chuối vừa giúp giữ lại hơi nóng trong nồi, vừa có tác dụng hút phần bọt khi kho.
Nếu không có lá chuối, bạn có thể cắt một miếng giấy nến hình tròn và cắt vài lỗ nhỏ trên đó. Bạn cũng thả miếng giấy này lên trên bề mặt nồi. Đây là cách người Nhật thường dùng khi làm các món hầm đó.
Trong thời gian kho thịt này, bạn rửa sạch và luộc trứng cho chín. Sau đó, bạn ngâm trứng vào nước lạnh để dễ bóc vỏ nhé.
Sau khoảng 1 giờ ninh thịt, bạn thử độ mềm bằng cách xiên đũa vào. Nếu thấy thịt mềm thì bạn thêm trứng vào luôn. Còn nếu thịt chưa mềm thì bạn ninh thêm nhé.
Lúc thịt đã đủ mềm thì bạn nếm thử xem nước thịt vừa khẩu vị chưa để thêm gia vị nhé. Bạn nên nêm thịt mặn vừa phải vì khi kho lâu hoặc hâm nhiều lần thì thịt sẽ sánh và mặn hơn. Lúc này, bạn cũng vớt hành tây ra luôn nhé.
Bạn tiếp tục ninh trên lửa nhỏ khoảng 20 phút nữa đến khi nước cạn còn khoảng 1/3 lượng nước ban đầu.
Khi ninh xong thì nồi thịt sẽ rất thơm, nước sóng sánh màu nâu cánh gián rất bắt mắt, phần mỡ trong trong, thịt rất mềm và tan trong miệng. Cuối cùng, bạn tắt bếp và cho ra đĩa để ăn cùng các món ăn khác nhé.
Thịt kho tàu để nguội hẳn thì có thể bảo quản trong ngăn mát khoảng 2-3 ngày. Khi ăn, bạn chỉ việc đun thêm vài phút hoặc quay lò vi sóng là được.
Tùy theo khẩu vị và sở thích của mỗi gia đình mà bạn có thể lựa chọn thịt đùi, thịt nạc vai, thịt ba chỉ,… để làm món thịt kho tàu.
Nhưng theo mình thấy, thịt ba chỉ rút sườn kho thì sẽ ngon mắt nhất, bởi tỉ lệ mỡ và nạc chuẩn tỉ lệ vàng, thịt và mỡ xen kẽ nhau. Nếu nhiều nạc quá thì thịt dễ bị khô, còn nếu nhiều mỡ quá thì lại quá ngấy.
Để có nồi thịt kho siêu đưa cơm thì bạn cần lưu ý trong khâu chọn thịt như sau:
Nguyên liệu làm nước màu kho cá, thịt gồm 2/3 chén cơm đường, 2/3 chén cơm nước lọc và 1 nửa quả chanh. Bạn có thể dùng đường trắng, đường vàng hoặc đường nâu. Đường có màu sẽ cho màu sậm và đẹp hơn.
Đầu tiên, bạn bắc chảo lên bếp và để lửa vừa rồi cho toàn bộ đường và ½ lượng nước vào chảo. Bạn khuấy đều cho đường tan, khi hỗn hợp sôi thì bạn vắt chanh vào. Chanh sẽ giúp nước đường không bị cháy.
Bạn khuấy và lắc chảo nhẹ để hỗn hợp đều màu. Khi hỗn hợp sệt lại thì bạn hạ lửa xuống mức thấp.
Bạn tiếp tục khuấy và lắc nhẹ cho đến khi hỗn hợp chuyển màu cánh gián thì tắt bếp. Bạn vẫn tiếp tục lắc chảo và khuấy liên tục để nước đường nguội bớt rồi đổ ½ lượng nước còn lại vào và khuấy đều. Sau đó, bạn khuấy trên lửa nhỏ khoảng 1 phút thì tắt bếp.
Bạn lưu ý, không nên đổ nước vào khi nước đường còn nóng, sẽ làm hơi nước bốc lên dễ gây bỏng. Bạn cũng cần phải canh màu nước đường bằng mắt thường để linh hoạt trong việc đun tiếp cho đạt màu ưng ý hãy dừng lại nhé.
Bạn để nguội hẳn rồi cho vào hộp kín, có thể để bên ngoài khoảng 1 tuần và thời gian lâu hơn trong tủ mát.
Thịt kho tàu là 1 trong những món ăn phổ biến trong các mâm cỗ dịp Tết cổ truyền và trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình. Tuy nhiên, đây là món ăn nhiều đạm và có phần hơi ngấy nếu ăn riêng. Ngoài ăn cùng cơm nóng, bạn có thể ăn kèm với các rau củ luộc hoặc dưa muối, đảm bảo vị rất vừa miệng và không bị ngấy.
Ngoài ra, thịt kho tàu còn được kết hợp với xôi nóng. Mùa đông lạnh lạnh mà có bát xôi thịt kho tàu thì ngon bá cháy.
Vì tên “thịt kho tàu” mà phần lớn mọi người đều hay nhầm tưởng món này là sản phẩm của người Ba Tàu (người Hoa). Vậy thịt kho “Tàu” chính cống là món như thế nào vậy? Bạn sẽ có câu trả lời ngay sau đây.
Thịt kho Tàu của người Hoa có tên gọi chính thức là thịt kho Đông Pha, được đặt theo tên nhà thơ Tô Đông Pha.
Có rất nhiều phiên bản lý giải về tên món ăn này. Nhưng được biết đến nhiều nhất có lẽ là chuyện quà cống chống lũ. Chuyện kể rằng khi Tô Đông Pha làm quan ở Hồ Tây, ông đã cùng nhân dân ngăn chặn thành công một trận lũ lớn. Để cảm ơn ông, người dân bèn cống lợn làm quà.
Tô Đông Pha đã lệnh cho đầu bếp dùng chính những cống phẩm này để làm tiệc rượu với thịt lợn hầm thết đãi dân chúng. Khi nhận lệnh, thay vì dùng rượu làm thức uống, đầu bếp hiểu nhầm thành cho rượu vào nấu với thịt.
Tình cờ, sự nhầm lẫn này lại tạo ra một món ăn hoàn toàn mới khiến mọi người vô cùng thích thú và thống nhất đặt tên món này là thịt kho Đông Pha để tri ân vị quan thanh liêm khảng khái này.
Đây là một trong những món rất nổi tiếng của ẩm thực Chiết Giang, được xem là biểu tượng của phong cách nấu nướng tinh tế Hàng Châu.
Để làm món này bạn chuẩn bị:
Bạn có thể gia giảm tỉ lệ nguyên liệu theo khẩu phần nhé, công thức này mình làm cho 6-8 người dùng.
Ở đây mình có lưu ý nhỏ về phần nguyên liệu một chút.
Khi nguyên liệu đã sẵn sàng thì mình xắn tay “mần” ngay thôi!
Mình có hai cách sơ chế thịt, tùy bạn lựa chọn nhé:
Cách đầu tiên, thịt mua về bạn sơ chế tương tự bước 1 ở công thức trên, rồi cho vào đun chừng 10 phút. Khi nước sôi bùng lên, bạn tắt bếp, vớt thịt ra rửa lại với nước lạnh cho sạch phần cặn bẩn bám bề mặt thịt.
Kế đến bạn cắt thịt thành từng từng khối vuông, cỡ chừng 2 đốt lóng tay (4x4 cm) rồi dùng chỉ cotton (hoặc lạt, rơm..) buộc chữ thập quanh khối thịt. Bước này sẽ giúp thịt không bị “nạc một nơi, mỡ một nẻo” sau khi hầm thời gian dài.
Hình ảnh những khối thịt buộc dây chữ thập gần như là đặc điểm nhận dạng của món thịt kho Đông Pha. Tuy nhiên, nếu bạn nào dùng nồi cỡ nhỏ, thịt xếp vừa khít thì có thể không buộc dây cũng được.
Cách thứ hai, bạn chuẩn bị một nồi nước sôi thật già, chia làm 2 phần. Sau khi sơ chế sạch sẽ, bạn cắt thịt thành những khối vuông và thả vào chần tái qua với nước sôi. Tiếp đấy, bạn vớt thịt ra xả nước lạnh rồi thả vào tráng lại nước sôi già lần nữa hẵng vớt ra để ráo và cột dây.
Cách này vừa giúp giữ được hầu hết phần nước ngọt lại vừa làm sạch bề mặt của các khối thịt. Với những bạn bận rộn, có thể áp dụng cách này chuẩn bị nguyên liệu trước để trữ tủ lạnh. Hôm nào nấu, chỉ việc lấy thịt ra rã đông và hầm là tiết kiệm được kha khá thời gian rồi.
Hành lá bạn rửa sạch, cắt khúc cỡ ngón tay, để ráo. Bạn lưu ý là mình sẽ dùng cả phần lá hành lẫn đầu hành nha.
Với gừng, để bảo toàn được dược tính, bạn nên để nguyên vỏ. Trước khi thái lát, bạn nhớ ngâm và rửa gừng thật sạch để tránh sót cặn đất bẩn nha. Nếu có sẵn nước vo gạo, bạn thêm chút muối hạt, ngâm gừng chừng 5-10 phút hẵng rửa.
Sau khi sơ chế nguyên liệu xong, bạn xếp lần lượt hành lá, gừng, thịt (nhớ lật mặt da xuống dưới), gia vị cùng nước vào nồi. Đối với các món hầm, bạn nên dùng các loại nồi làm từ chất liệu như sứ, thủy tinh, đất nung… Nồi làm từ những chất liệu này có tác dụng giữ nhiệt rất tốt, đỡ được thời gian hầm rất nhiều.
Bạn bắc nồi lên bếp, khoan đậy vung nhé, đun lửa lớn đến khi nước sôi lục bục thì hạ lửa, đậy nắp nồi. Nếu nắp nồi của bạn không có lỗ thoát hơi thì nên đậy hở hé một tí. Bạn đun nhỏ lửa chừng 1 tiếng rưỡi rồi lật mặt da thịt lên trên và đun tiếp thêm chừng 1-1,5 giờ nữa.
Vào những cuối tuần không vội, mình hay hầm thịt chừng 1 giờ rồi đậy vung kín để hơi nóng nồi tự ủ, chờ nồi nguội cho vào tủ lạnh để qua đêm. Hôm sau lấy ra hầm lửa nhỏ thêm chừng 90 phút cho nữa là “lên mâm”. Với những món ninh, hầm, nếu có thời gian để gia vị lắng, thấm vào nguyên liệu thì món ăn luôn cho vị đượm đà hơn.
Tùy vào khẩu vị, bạn có thể đun cho nước keo sệt hoặc vừa sánh, nhưng đừng để khô quá nhé. Phần nước thịt là một trong những điểm nhấn của món này, thường người Tàu sẽ dọn thịt kho Đông Pha với cải thìa luộc rưới nước thịt và ăn kèm cơm trắng hoặc đậu phụ hấp.
Trong trường hợp phải nấu món này cho nhiều người kiểu họp mặt gia đình, tiệc nhỏ… thì mách bạn một mẹo, vừa tiết kiệm được thời gian nấu nướng, trang trí lại đảm bảo khâu vệ sinh, thẩm mỹ. Đó là, sau khi hầm thịt trong nồi lớn chừng một tiếng rưỡi, bạn chia thịt vào những âu/chén nhỏ (vừa đủ phần 1 người) rồi cho vào xửng hấp nhiều tầng như hấp bánh bao, hấp thêm chừng 1 tiếng.
Cách này vừa giúp thịt chín mềm, nước thịt cũng không bị khô rốc đi mà lại vẫn giữ được độ ấm nóng cho những phần chưa dùng tới nữa.
Bạn nào buộc dây thịt, trước khi đơm lên mâm đừng quên cắt dây buộc nha.
Món này ngốn thời gian hầm khá nhiều, đối với những “đầu bếp nóng nảy” không muốn phải chờ lâu thì có thể tận dụng nồi áp suất hoặc nồi nấu chậm.
Cá nhân mình luôn thích vị thịt hầm trong nồi đất, phần thưởng của sự kiên nhẫn chờ đợi sẽ là những miếng thịt mềm, tan chảy nơi đầu lưỡi mà không mảy may vương chút béo ngấy nào.
Tuy nhiên, các thực đơn như thịt kho tàu, thịt kho Đông Pha có lẽ sẽ hợp với những ngày mưa hoặc mùa lạnh hơn là tiết hè nắng như đổ lửa 🔥.
Vậy nên Thật Là Ngon sẽ giới thiệu với bạn thêm công thức “thịt” kho Đông Pha chay cho những ngày hè. Phiên bản này đặc biệt thích hợp với những bạn ăn chay hoặc đang giảm cân đấy!
Để nấu món này (khẩu phần cho 4-6 người), bạn cần các nguyên liệu sau:
Bí đao bạn cạo phần vỏ xanh bên ngoài, nhớ là cạo nhé, như thế mới giữ được lớp vỏ cứng bên ngoài. Sau đấy bạn rửa bí sạch, cắt thành những phiến chữ nhật dầy và cho vào áp chảo phần da cứng với chút dầu đến khi da bí sém đều.
Tiếp đấy bạn cho xì dầu, nước, rượu, đường, hắc xì dầu và dầu mè vào khuấy cho quyện đều với nhau để làm nước sốt.
Bạn cho hành hoa, gừng và hoa hồi vào chảo phi thơm rồi xếp bí vào, rưới nước sốt vừa pha và đun nhỏ lửa trong vòng 1 giờ. Cứ 20 phút, bạn lật bí 1 lần để gia vị thấm đều nhé. Nếu bạn không muốn ăn bí quá mềm thì hầm chừng 40 phút là được. Nhớ là không đậy vung nha.
Khi bí mềm, bạn lấy ra bày đĩa thật nhẹ tay, đừng để bị nát nha 😊.
Phần nước hầm còn trong chảo, bạn thêm từ từ nước bột bắp vào và khấy trên lửa liu riu đến khi nước sốt sệt lại thì ngừng. Bạn nêm nếm nước sốt lại cho vừa rồi rưới lên phần bí đã bày lên đĩa, rắc thêm ít hành hoa là món thịt kho Đông Pha chay đã sẵn sàng rồi.
Bí đao có vị ngọt, tính hàn, thành phần chủ yếu là nước nên rất hay được dùng để làm những món ngon mỗi ngày có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, tiêu khát. Phần vỏ bí còn có dược tính tiêu viêm, tiêu phù nên sẽ rất tốt cho người lớn tuổi hoặc người mắc các bệnh về tim mạch, mỡ máu.
Biến tấu một chút các công thức món mặn thành món chay cũng là một trong những cách để vừa giảm nạp đạm động vật vừa làm phong phú thực đơn cơm nhà nữa đó.
Bạn thích phiên bản thịt kho tàu nào nhất? Hãy thử làm và chia sẻ với Thật Là Ngon nha!
Chúc bạn thành công!