Chua chua mát mát siêu quyến rũ
Cùng vào bếp với Thật Là Ngon để thực hiện cách làm món vịt om sấu thanh mát cho mùa hè nhé. Món ăn này cực kỳ thơm ngon, dễ làm và đặc biệt thích hợp tiết trời ngày hè.
Trong ẩm thực, để chọn được nguyên liệu tươi ngon thì bí quyết đơn giản nhất mà các bà nội trợ nhớ nằm lòng đó là “mùa nào thức ấy”.
Từ tháng Sáu, ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, những cây sấu già cao cao bắt đầu giũ những chùm hoa bé xíu để lộ ra từng chùm sấu non lủng lẳng. Người Hà Nội vốn sành ăn, tất nhiên sẽ không quên đem đặc sản xứ mình vào ẩm thực rồi.
Quả sấu ngoài chấm muối ăn tươi, dầm lấy nước uống thì còn có thể làm nguyên liệu để nấu các món mặn nữa. Một trong những món nấu từ sấu được rất nhiều người ưa thích đó là món vịt om sấu. Những ngày hè đỉnh điểm nắng nóng, oi bức như thế này mà được thưởng thức một bát vịt om sấu thì còn gì bằng.
Nào nào, hãy cùng vào bếp với Thật Là Ngon để làm món ăn giải nhiệt chiêu đãi cả nhà thôi!!!
Để nấu vịt om sấu ngon thì bạn nên chọn vịt đồng, mà phải là vịt đực thì mới nhiều nạc, nhỏ xương và chắc thịt nhé.
Vịt đực vì không phải sinh nở nên thịt sẽ chắc, ngọt và mềm hơn vịt cái. Khi mua bạn chú ý lựa con vịt có đầu to, mỏ cứng, mông nhỏ, cánh dài và thường kêu rất to. Lúc ấn vào phao câu sẽ có 1 ống nhỏ thò ra, nếu không có thì đấy là vịt cái nha.
Nếu mua vịt làm sẵn, ngoài những đặc điểm trên, bạn chú ý chọn những con có ức tròn, da bụng và da cổ dày, khi xách lên thấy nặng tay.
Tuyệt nhất là bạn mua được vịt thả đồng hoặc vịt nuôi nhà ấy, loại này khi nấu thịt sẽ ráo, ít ra nước và có mùi thơm rất đặc trưng.
Những chú vịt da căng bóng, to và nặng cân nhưng mỡ dày thì bạn nên tránh nhé. Đây là vịt công nghiệp, nuôi ăn bột nên mùi sẽ khá nồng, khi nấu sẽ ra nước rất nhiều, thịt lại bở, sẽ không ngon đâu. Những chú vịt có da trơn, khi ấn vào ức và đùi cảm giác thịt nhão cũng không nên chọn nhé. Đấy có thể là vịt đã bị bơm nước để tăng trọng lượng khi bán.
Một lưu ý nữa là bạn chỉ nên mua vịt đã trưởng thành thôi nha. Vịt non chưa lớn đủ nên thịt sẽ không ngọt, lông măng nhiều, làm rất mất công. Những chú vịt non thường sẽ có mỏ to và mềm, có nhiều lông măng. Lông cánh dày nhưng ít, còn nhiều lông tơ và cánh sẽ ngắn hơn vịt trưởng thành.
Sau khi mua được vịt ngon về, bạn làm lông sạch sẽ hoặc để người bán hàng làm ngay tại chợ. Vịt đã sạch lông thì bạn dùng muối hạt xát khắp mình vịt để loại bỏ cặn bẩn trên da, sau đấy rửa sạch. Tiếp đến bạn lấy gừng đập dập trộn với rượu trắng, chà khắp mình vịt rồi xả nước ngập vịt, ngâm tầm 10 phút. Vì vịt có mùi tanh rất nồng nên để khử hết mùi, bạn phải làm bước này kỹ thật kỹ nha.
Tiếp sau đấy bạn tráng vịt qua nước lạnh, để ráo rồi chặt nhỏ thành những miếng vừa ăn. Nếu vịt có nhiều mỡ thì bạn cắt riêng ra nhé, để dùng lúc om vịt.
Hành củ, tỏi bạn rửa sạch băm nhỏ. Sả bạn rửa sạch, đập dập và chia làm 2 nửa, 1 nửa băm nhỏ, nửa còn lại cắt khúc.
Sấu bạn rửa sạch, cạo vỏ hoặc để vỏ đều được nha, đừng quên khứa vài đường dọc thân sấu cho ra nước chua nhé.
Để nấu món này bạn không nên chọn những quả sấu quá non hoặc quá già. Khi mua sấu, bạn để ý lựa những quả sần sùi, cùi dày mới có nhiều thịt chua nha. Những quả sấu da láng bóng thường là những quả còn non, còn chát nhiều nên sẽ không ngon. Ngược lại những quả sấu quá già thì hạt to, thịt mỏng và ít chua lắm.
Bạn chia đôi hành, tỏi vừa băm thành 2 phần, 1 nửa cho vào ướp với thịt vịt, cùng với sả cắt khúc, sấu, mẻ, bột nêm, bột ngọt và muối. Bạn có thể cho thêm 1 thìa canh rượu trắng và 1 thìa canh dầu hào ướp cùng với vịt cho thịt được thơm hơn nha.
Thịt vịt bạn ướp khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi là nấu được.
Bạn cho mỡ vịt (hoặc 1 thìa canh dầu ăn) vào chảo, chờ mỡ nóng thì bỏ phần hành, tỏi, sả còn lại vào phi thơm. Sau đấy bạn cho thịt vịt vào đảo qua tầm 2-3 phút cho thịt hơi săn lại.
Tiếp đến, bạn đổ nước dừa ngập thịt và cho sấu vào rồi om. Nước dừa om vịt, bạn dùng dừa tươi là tốt nhất, đặc biệt nếu mua được dừa lửa thì tuyệt cú mèo. Nhưng nếu không có dừa tươi, bạn có thể thay thế bằng nước dừa đóng hộp cũng được. Trường hợp không có hoặc không ăn được nước dừa, bạn có thể om vịt bằng nước lạnh nha.
Lúc om vịt, nếu dùng bếp ga, bạn để lửa lớn (nếu dùng bếp từ/ bếp điện thì chỉnh nhiệt ở khoảng 300 ~ 350 độ), đến khi nước sôi thì hạ lửa xuống liu riu (khoảng 120 độ) rồi om thêm khoảng 30 phút nữa nhé. Như thế vịt sẽ vừa mềm, ngấm đều gia vị nhưng thịt lại không bị khô.
Khi gần tắt bếp, bạn có thể dùng muôi dằm vài quả sấu cho ra nước chua, sau đấy nêm nếm lại cho vừa ăn rồi tắt bếp nhé.
Khi ăn, bạn múc vịt ra bát, rắc thêm một chút hành lá hay trang trí thêm vài cọng rau thơm cho thêm phần hấp dẫn.
Thịt vịt chín vừa mềm, không khô bở, vừa ngấm đượm gia vị. Nước om hơi sánh nhưng trong, vị ngọt thịt đậm đà, có mùi thơm dịu và đặc biệt dậy vị sấu chua chua thanh mát. Nếu món vịt om sấu của bạn hội đủ tất cả các đặc điểm trên thì còn chờ gì nữa mà không tự thưởng cho bản thân ngay và luôn nhỉ?!
Thịt vịt có tính hàn om cùng sấu chua chua thanh thanh rất thích hợp để ăn giải nhiệt trong những ngày hè nóng nực như này. Bạn có thể dùng món này như lẩu hoặc ăn kèm cùng bún, cơm hoặc chấm bánh mỳ đều được nhé.
Nếu bạn là người thích ăn cay, bạn có thể cho thêm sa tế và ớt 🌶 lúc om vịt nhé. Vịt om sấu sa tế cay ăn với bún là cực kỳ chuẩn vị đó.
Món vịt om sấu trong công thức chúng mình chia sẻ là phiên bản đơn giản và đúng chuẩn vị Bắc nhất. Tuy nhiên, bạn có thể biến tấu thêm món ăn này
Tầm tháng 8 đến tháng 10 là vào mùa khoai sọ, những tín đồ của vịt om sấu có thể kết hợp thêm nguyên liệu này để làm mới món khoái khẩu của mình nha.
Để làm phiên bản này, bạn cần chuẩn bị thêm khoảng 200 g khoai sọ và 1 ít rau rút nhé.
Khi mua khoai sọ, bạn chọn tùy vào độ cũ mới của khoai nha. Nếu là khoai cũ thì bạn nên chọn những củ con con, ngược lại nếu có khoai mới thì củ cái (củ to nhất trong chùm khoai) mới chắc củ, khi nấu sẽ thơm, ngọt và vừa bở.
Khoai sọ bạn gọt vỏ, rửa sạch và để ráo. Vì khoai sọ rất nhanh chín nên trước khi tắt bếp (bước 3) khoảng 15 phút, bạn hẵng cho khoai vào, để khoai không bị bở nát.
Trước khi tắt bếp, bạn cho rau rút đã rửa sạch và cắt khúc vào, nêm nếm vừa ăn rồi đun thêm khoảng 2 phút thì tắt bếp.
Thịt vịt béo béo quyện cùng vị sấu chua thanh thanh, thêm khoai sọ bùi bùi ăn cùng cơm nóng trong những ngày tháng 10 trời sang thu se se là lựa chọn không tồi nhỉ?
Một biến thể khác của món vịt om sấu là vịt om sấu nấu măng. Cách làm món này cũng không có gì cầu kì lắm. Về nguyên liệu thì bạn chuẩn bị thêm 300 g măng tươi để nấu món này.
Măng tươi mua về bạn rửa sạch, cắt miếng vừa ăn rồi luộc qua vài lần với nước để khử độc tố và giảm vị nhẫn của măng. Nếu có thời gian, bạn nên ngâm măng trong nước vôi trong vài tiếng trước khi chế biến để khử vị đắng của măng ha.
Với các nguyên liệu khác bạn làm tương tự như cách làm vịt om sấu ở trên và thực hiện lần lượt các bước ướp và om thịt. Nhưng đến bước 3, khi bắt đầu nấu nhỏ lửa ở 30 phút cuối thì bạn cho măng vào hầm cùng. Vì hầm nhỏ lửa nên bạn không phải sợ măng bị chín quá đâu.
Sau cùng, bạn nêm nếm vừa ăn là có thể đơm lên thưởng thức rồi!
Ngoài ra, bạn cũng có thẻ nấu món vịt om sấu này thành lẩu vịt om sấu. Khi này thì bạn cần nhiều nước hơn món om bình thường nhé. Trời mưa lâm thâm quây quần bên nồi lẩu thơm phức này thì rất tuyệt vời đó.
Vịt om sấu không chỉ ngon mà còn khá bổ dưỡng đấy!
Gần 90% trọng lượng của quả sấu là nước, 10% còn lại là các loại vi chất và vitamin C. Thế nên không có gì lạ khi ngoài việc dùng như một món giải khát mùa hè, sấu còn được sử dụng làm nguyên liệu trong rất nhiều món ăn để bổ sung vitamin C cho cơ thể.
Còn thịt vịt lại là một món giàu đạm, cứ 100 g thịt vịt sẽ cung cấp cho cơ thể 25 g protein (cao hơn cá, trứng và nhiều loại thịt khác). Hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, sắt, vitamin,… cũng rất dồi dào.
Vì thế các món chế biến từ thịt vịt rất thích hợp những người có cơ thể thiếu máu, suy nhược, cần bồi bổ. Đặc biệt vì chứa hàm lượng axit oleic khá dồi dào, có tác dụng giảm thiểu nguy cơ xơ vữa động mạch nên thịt vịt cũng được khuyên dùng cho những người có bệnh về huyết áp hoặc tim mạch.
Tuy nhiên, theo Đông Y, vì thịt vịt có tính hàn mạnh, hàm lượng đạm cao nên những người máu huyết lưu thông kém, người vừa phẫu thuật hoặc bị bệnh gout thì không nên sử dụng thịt vịt để tránh gây ảnh hưởng không tốt cho cơ thể.
Những người có cơ địa dễ dị ứng thì cũng nên hạn chế ăn thịt vịt, đặc biệt là vịt xiêm nha.
Có thể nói, vịt om sấu là một món đặc sản thể hiện được sự tài tình và tinh tế trong việc kết hợp các nguyên liệu sẵn có của người Hà Nội.
Vị vịt béo ngậy sẽ đằm hơn khi kết hợp với vị sấu chua chua thanh thanh. Vì thế, món ăn này không hề gây cảm giác ớn ngấy khi dùng, dù được ăn vào những ngày hè nóng nực.
Món này rất dễ dùng, từ trẻ con đến người già thường đều rất thích. Một khi bạn có sấu trữ đông đúng cách thì hoàn toàn có thể nấu được món này quanh năm.
Hôm nay, Thật Là Ngon mang đến cho bạn một món ăn dù không mới nhưng chưa bao giờ giảm nhiệt trong ngày hè. Những quả sấu giờ đây cũng không còn chỉ là đặc sản của riêng miền Bắc nữa, nên dù ở đâu trên đất Việt Nam này, bạn vẫn có thể thử thực hiện món này để chiêu đãi bản thân, gia đình và bạn bè nha.
Các món om, lại làm từ vịt, mới nghe nhiều bạn sẽ hơi ngại thử làm vì sợ mất nhiều thời gian và cách làm chắc cũng phức tạp lắm. Nhưng vịt om sấu thì không đâu nha, vô cùng dễ làm, vô cùng đơn giản lại siêu siêu ngon luôn á bạn ơi!!!
Mau mau bắt tay làm và chia sẻ với tụi mình thành phẩm “made by me” của bạn nha!
*Ảnh nguồn Internet.