Đen xì huyền bí
Bạn hãy cùng thử cách làm bánh mì bóng đêm lấy cảm hứng từ vùng than Quảng Ninh để bắt kịp trend với team Thật Là Ngon nào 😊
Sau cơn sốt bánh mì “dân tổ”, bánh mì sốt bơ tỏi Hàn Quốc hay bánh mì thanh long đỏ thì bánh mì bóng đêm lại làm mưa làm gió khắp các thị trường.
Sở hữu màu đen bóng từ vỏ đến ruột, lại đi kèm phần nhân bắt mắt của nước sốt đỏ au sóng sánh, thịt quay giòn vàng, rau thơm màu xanh tươi mát. Nó quả thực khiến con dân đam mê ẩm thực khó cưỡng lại.
Tưởng chừng như những chiếc bánh mì độc lạ này rất khó làm nhưng thật ra cách làm lại siêu dễ với nguyên liệu cực kì đơn giản. Cách làm thì tương tự như Cách làm bánh mì truyền thống Việt Nam, chỉ là thêm 1 chút bột tinh than tre để bánh cho màu sắc độc lạ hơn thôi.
Bột tinh than tre không chỉ giúp nhuộm màu cho chiếc bánh mà còn là nguyên liệu rất tốt cho sức khỏe. Vậy còn chần chừ gì nữa mà không vào bếp trổ tài món bánh siêu dinh dưỡng, lạ miệng này cho bữa sáng.
Bạn hãy tham khảo công thức dưới đây nhé.
Việc sử dụng bột chua sẽ giúp làm tăng hương vị cho bánh. Đầu tiên, bạn trộn đều 30 g bột bánh mì, 30 g nước và 1 g men khô trong âu trộn rồi bọc kín lại.
Sau đó, bạn để nghỉ ở nhiệt độ phòng khoảng 3 giờ hoặc qua đêm.
Bạn cho bột mì và bột tinh than tre vào âu rồi dùng phới trộn cầm tay trộn đều lên. Việc này sẽ giúp tránh vón cục trong quá trình nhào bột.
Tiếp theo, bạn thêm men khô, đường, muối, dầu ăn, bột chua và nước vào. Bạn lưu ý, muối và men không được trộn vào nhau, vì muối sẽ làm giảm sự hoạt động của men.
Sau đó, bạn dùng thìa trộn đều lên từ dưới lên cho đến khi không còn nguyên liệu khô.
Bạn cho khối bột ra bàn sạch rồi nhồi bằng tay khoảng 15 phút cho đến khi mặt bột mịn láng, có độ đàn hồi. Cách nhồi tương tự như trong Cách làm bánh mì Việt Nam.
Nếu bạn sử dụng máy nhồi thì trong 1 phút đầu tiên, bạn trộn ở mức thấp nhất để bột không bị văng ra ngoài. Tiếp đó, bạn tăng tốc độ lên mức trung bình, khoảng mức 2-3 với máy có 5 mức hoặc 6-7 với máy có 10 mức. Khi bột dẻo, sờ vào không dính tay là bột đã nhồi đạt.
Bạn vê bột thành khối tròn sao cho mặt bột thật mịn, khối bột tròn rồi dùng màng bọc thực phẩm đậy lại để tránh bị khô. Sau đó, bạn để nghỉ 15 phút trước khi tạo hình.
Bạn chia bột thành 5 phần bằng nhau, mỗi phần nặng khoảng 90-95 g. Với trọng lượng này, thành phẩm thu được sẽ là những chiếc bánh cỡ vừa. Nếu muốn bánh cỡ lớn, bạn hãy chia bột thành 4 phần bằng nhau nhé, mỗi phần nặng khoảng 120-125 g.
Bạn tiếp tục vê các phần bột thành khối tròn mịn và đậy kín bằng màng bọc thực phẩm rồi để nghỉ 10 phút, tránh bột bị co khi tạo hình.
Sau 10 phút nghỉ thì bạn tạo hình cho bánh mì. Bạn có thể tạo hình tròn hay hình thuôn dài giống bánh mì truyền thống Việt Nam. Cách tạo hình tương tự như hướng dẫn trong bài Cách làm bánh mì Việt Nam.
Đầu tiên, bạn đặt khối bột lên mặt bàn, dùng tay dàn nhẹ thành hình chữ nhật. Sau đó, bạn gấp 2 mép bột ở 2 đầu lại rồi vừa cuộn vừa đẩy để mặt bột căng mịn. Cuối cùng, bạn nối mép bột lại sau khi đã cuộn.
Bạn đặt bột lên khay đã lót giấy nến hoặc dùng khay làm bánh baguette, để bột vào nơi kín và ủ khoảng 60 phút cho đến khi bột nở gấp 3 với nhiệt độ phòng khoảng 25 °C.
Ở những vùng có nhiệt độ mát mẻ hay xứ lạnh hay bạn muốn giảm thời gian ủ thì bạn có thể để vào lò vi sóng (không bật) và đặt 1 cốc nước ấm vào trong. Ngoài ra, bạn cũng có thể bật đèn lò nướng rồi đặt bánh vào.
Bạn lưu ý, không nên ủ bánh ở nơi quá ấm áp, trên 45 °C sẽ làm men bị chết hoặc hoạt động yếu, bánh sẽ không nở xốp được.
Khi bột đã nở căng mịn thì bạn dùng dao lam rạch những đường nghiêng 45°, có độ sâu khoảng 0,5-0,7 cm lên mặt bánh.
Sau đó, bạn xịt 1 lớp nước nhẹ lên toàn bộ bánh rồi đem nướng. Ngoài ra, bạn có thể rắc 1 chút vừng trắng để tăng thêm độ thơm và độ bắt mắt cho bánh nhé.
Bạn đem nướng bánh khoảng 20-22 phút ở 210-220 °C, lò nướng được bật chế độ 2 lửa.
Lò phải được làm nóng trước ít nhất 15 phút ở 220 °C.
Ngoài ra, thời gian nướng được thay đổi tùy thuộc vào kích thước bánh. Bánh lớn hoặc nhỏ hơn thì bạn hãy tăng hoặc giảm thời gian nướng thêm 2-3 phút nhé.
Thành phẩm thu được là những chiếc bánh mì đen tuyền, vỏ ngoài giòn nhưng ruột bên trong không bị cứng và khô.
Như vậy, cách làm bánh mì bóng đêm cũng tương tự như bánh mì truyền thống Việt Nam, chỉ khác là thêm bột tinh than tre trong quá trình nhồi bột.
Bạn có thể sẽ gặp 1 số vấn đề khiến bánh không thành công hoặc bạn muốn biết 1 số tips đơn giản để bánh ngon hơn thì hãy tham khảo các lưu ý trong bài Cách làm bánh mì giòn mini nhé.
Cách bảo quản cũng tương tự như các loại bánh mì khác. Bạn hay bọc kín lại và để ở nhiệt độ phòng khoảng 3 ngày. Nếu để trong ngăn đá, bạn có thể bảo quản bánh lên tới 1 tháng. Tuy nhiên, bánh bảo quản ngăn đá sẽ khô hơn 1 chút. Bạn cũng không nên bảo quản bánh trong tủ mát, sẽ làm bánh bị khô, khó ăn hơn.
Nếu bánh bị ỉu thì bạn có thể đem sấy khoảng 7-10 phút, nhiệt độ từ 140-150 °C là bánh lại giòn rụm, nóng hổi ngay.
Bởi hương vị bùi bùi thơm thơm đậm đà của bột mì, bạn có thể dùng luôn khi bánh vừa mới ra lò, chấm với sữa làm bữa ăn sáng giản dị như bánh mì bình thường.
Tuy nhiên, để tạo nên trend độc dị, gây sốt suốt thời gian qua thì ngoài màu sắc, người ta còn kẹp thêm nhiều loại nhân để tạo nên độ hấp dẫn cho những chiếc bánh mì này.
Thật Là Ngon sẽ giới thiệu đến bạn 1 loại nhân đi kèm với bánh mì bóng đêm khá phổ biến và được yêu thích. Bạn hãy tham khảo công thức dưới đây và chuẩn bị phần nhân trong quá trình ủ và nướng bánh để tiết kiệm thời gian nhé.
150 g thịt heo quay, 100 g giò/ chả lụa, 50 g pate, 50 g ruốc thịt (chà bông), 50 g dưa leo, 50 g cà chua, 10 g hành lá, 10 g rau mùi (ngò rí), 5 g ớt sừng, 25 g dầu trứng hoặc bơ lạt.
Chúng mình có thể mua thịt heo quay sẵn hoặc tự chế phiên bản heo “quay” chiên giòn như sau.
Sau khi rửa sạch thịt thì bạn trụng thịt qua nước sôi để loại bỏ mùi hôi rồi đem luộc sơ khoảng 15 phút. Bạn dùng nĩa đâm nhẹ lên miếng thịt rồi rắc 1 chút muối lên và xoa đều giúp miếng thịt ngấm gia vị. Bạn để thịt thật ráo nước trước khi chiên nhé.
Tiếp theo, bạn bắc chảo lòng sâu lên bếp, đổ dầu vào, chờ dầu nóng hẳn thì cho miếng thịt vào. Lượng dầu nên ngập ½ miếng thịt hoặc hơn sẽ giúp thịt giòn hơn. Sau khi thịt đã vàng đều các mặt, bạn vớt ra giá inox hoặc để lên giấy thấm dầu để phần thịt quay đỡ ngán hơn.
Trong lúc chờ thịt nguội thì bạn sơ chế các nguyên liệu còn lại. Đối với chả lụa, bạn thái lát vừa ăn. Với dưa leo, cà chua, hành lá, rau mùi, ớt sừng, bạn rửa sạch rồi thái lát dưa leo, cà chua, cắt khúc hành lá và thái nhỏ ớt sừng.
Với phần thịt quay, bạn cũng thái miếng vừa ăn nhé.
1 quả cà chua, 1 thìa cơm dầu ăn, 1 thìa canh nước luộc thịt, 1 thìa cà phê đường, ½ thìa cơm nước mắm, ¼ thìa cà phê muối, ½ thìa cà phê hạt nêm, 2 củ hành khô, 2-3 tép tỏi, ½ thìa cơm bột năng và 1 thìa cơm nước.
Đầu tiên, bạn thái cà chua thành miếng nhỏ. Với hành và tỏi thì bạn bóc vỏ rồi băm nhuyễn.
Bạn bắc chảo lên bếp, chảo nóng thì thêm dầu ăn vào. Dầu nóng thì cho hành khô và tỏi băm vào phi thơm lên. Sau đó, bạn cho cà chua vào đảo khoảng 2 phút thì thêm nước luộc thịt vào.
Bạn cho các gia vị còn lại vào, đảo qua vài lần rồi rim ở lửa nhỏ cho đến khi cà chua mềm thì nếm lại gia vị đường, nước mắm, muối, hạt nêm cho vừa ăn. Thời gian rim khoảng 8-10 phút.
Để nước sốt sóng sánh hấp dẫn hơn thì bạn hòa bột năng với nước rồi đổ từ từ vào chảo nước sốt. Khi cho bột năng, bạn nên vừa khuấy nước sốt, vừa cho bột năng vào để tránh vón cục nhé. Bạn đun thêm 1 phút rồi tắt bếp là hoàn thành phần nước sốt siêu hấp dẫn rồi.
Khi bánh mì đã chín, bạn lấy bánh ra, để bánh nguội 1 chút, khoảng 2-3 phút cho bớt nóng thì dùng dao dọc bánh mì để kẹp nhân.
Bạn phết dầu trứng hoặc bơ vào, rồi phết pate và thêm các phần nhân khác như thịt quay, giò/ chả lụa, ruốc thịt, dưa leo, cà chua, hành, mùi, ớt. Cuối cùng, bạn chỉ việc rưới nước sốt vào và thưởng thức.
Như vậy là đã hoàn thành món bánh mì bóng đêm siêu hấp dẫn này rồi 😋.
Hãy cùng vào bếp và trổ tài món bánh độc đáo và ngon không kém bất kì hàng quán nào nhé.
Chúc bạn thành công!
*Ảnh: Nguồn Internet