Chua chua, ngọt ngọt, đưa miệng vô cùng!
Củ kiệu tôm khô làm món nhắm hay món ăn kèm đều rất hợp. Cách làm củ kiệu tôm khô thì vô cùng đơn giản. Hãy vào bếp và chuẩn bị cho gia đình theo công thức Thật Là Ngon chia sẻ bạn nhé.
Nếu dưa hành là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết cổ truyền miền Bắc thì củ kiệu tôm khô lại là món đặc trưng ở miền Nam. Củ kiệu tôm khô chua ngọt ăn kèm với bánh tét hay thịt kho làm tăng thêm hương vị món ăn và giải ngán rất tốt.
Mình là người Bắc nhưng một dịp được ăn thử củ kiệu tôm khô thì phải lòng ngay. Sau khi thử nghiệm rất nhiều cách làm khác nhau thì mình cũng đã đút túi được một công thức siêu đơn giản rồi.
Nếu bạn vẫn chưa biết công thức củ kiệu tôm khô, hãy cùng mình vào bếp để làm nhé!
Lựa chọn tôm khô ngon quyết định phân nửa độ ngon của món ăn.
Tôm khô hiện nay được bạn rất nhiều trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên có một số loại bị ngâm hóa chất hoặc mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu sơ chế. Mình sẽ chỉ cho bạn một số cách để phân biệt tôm khô ngon nhé
Tôm khô ngon được phơi sống thường có màu tươi tự nhiên. Tôm khô để lâu ngày hoặc luộc chín mới phơi sẽ có màu đỏ nhạt hay đỏ sẫm.
Tôm khô tự nhiên có mùi thơm đặc trưng, không nên chọn những loại tôm có mùi nồng, lạ.
Khi ăn thử tôm khô tự nhiên sẽ chắc và ngọt, tôm bị tẩm hóa chất sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều mùi hóa chất.
Khi bốc một nắm tôm khô rồi nắm chặt, sau khi mở tay ra tôm vẫn hơi dính trên tay thì là tôm khô ngon.
Nếu chưa quen chọn tôm khô thì bạn nên mua tại những cửa hàng uy tín, tôm có nguồn gốc và hạn dùng rõ ràng.
Bạn rửa qua tôm với nước lạnh để loại bỏ đi bụi bẩn bám trong quá trình phơi. Sau đó bạn ngâm tôm trong nước ấm khoảng 15 phút. Ngâm tôm trong nước ấm giúp tôm nở và mềm ra, khi ăn sẽ ngon hơn.
Kiệu có hình dáng hơi giống củ hành nhưng bé hơn. Củ kiệu dùng để làm củ kiệu tôm khô không được dùng loại ngâm lâu quá vì dễ bị chua. Bạn ăn thử củ kiệu nếu thấy vẫn giòn, không còn hăng, hơi chua nhưng vẫn có chút ngọt cuối cùng là đạt.
Bạn tuyệt đối không dùng loại củ kiệu ngâm đã nổi váng mốc! Vì khi đó món củ kiệu có thể chứa độc tố gây hại cho sức khỏe.
Để làm củ kiệu ngâm thì bạn tham khảo bài viết Cách Làm Dưa Kiệu Chua Ngọt của Thật Là Ngon nhé. Đảm bảo thành công luôn!
Củ kiệu bạn vớt ra khỏi nước ngâm rồi để ráo. Dùng bao nhiêu củ kiệu thì bạn vớt ra bấy nhiêu. Vì củ kiệu không ngâm nước sẽ dễ hỏng và màu không đẹp mắt. Phần nước ngâm kiệu bạn để ra bát lớn để ngâm tôm.
Tôm ngâm vào nước củ kiệu sẽ ngấm gia vị và ngon hơn.
Vì khẩu vị của người Nam Bộ khá ngọt nên công thức gốc có cho thêm đường. Nếu nhà bạn ăn ngọt thì cho thêm 15 - 20 g đường vào phần nước củ kiệu rồi khuấy tan. Nhà mình thì thường không thêm đường mà để vậy rồi ngâm luôn.
Tôm sau khi ngâm nước ấm bạn vớt ra để ráo thì cho vào phần nước ngâm củ kiệu. Ngâm tôm thêm khoảng 30 phút nữa là tôm ngấm đều gia vị.
Bạn vớt tôm ra và để thật ráo. Phải để thật ráo tôm thì khi trộn với củ kiệu mới không bị ra nước bạn nhé.
Bạn cho tôm và củ kiệu vào một âu to rồi trộn đều 2 nguyên liệu lại với nhau là được.
Củ kiệu tôm khô sau khi trộn là có thể ăn được luôn mà không cần đợt thêm nữa. Đến lúc này chắc bạn cũng thòm thèm muốn thử ngay một miếng rồi đúng không?
Bạn cho củ kiệu tôm khô ra đĩa, sắp xếp lại một chút cho đẹp mắt rồi thêm rau mùi lên trên là hoàn thành rồi. Nếu nhà bạn không có rau mùi thì cũng chả ảnh hưởng đến hương vị món ăn đâu nhé.
Để tăng thêm mùi vị của món củ kiệu tôm khô, nhiều hôm mình còn thêm trứng bắc thảo vào.
Trứng bắc thảo có vị đắng nhẹ, sáp, mặn mặn, ngọt ngọt và tốt cho sức khỏe. Trứng bắc thảo tốt cho sức khỏe nhưng bạn cũng không nên ăn thường xuyên và số lượng lớn đâu nhé.
Cách làm củ kiệu tôm khô trứng bắc thảo hoàn toàn như công thức ở trên, chỉ khác là thêm trứng bắc thảo. Bạn rửa sạch vỏ 2 quả trứng bắc thảo rồi luộc chín trong 15 phút. Có nhiều bạn không luộc trứng nhưng mình thì cứ luộc trứng chín hẳn cho yên tâm.
Trứng chín bạn bóc vỏ và cắt miếng vừa ăn. Khi cho tôm khô và củ kiệu ra đĩa, bạn bày trứng bắc thảo lên nữa là xong rồi.
Củ kiệu tôm khô còn còn có một cách làm ăn cũng rất ngon miệng nữa là gỏi củ kiệu tôm khô.
Nguyên liệu bạn thêm một ít khô cá, một ít cà rốt bào, đậu phộng, rau thơm nữa là được. Khi làm gỏi thì bạn cắt củ kiệu làm đôi hoặc làm ba.
Bạn pha 2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh đường, tỏi ớt băm và nước cốt chanh để làm nước trộn gỏi.
Tất cả nguyên liệu bạn cho vào 1 âu to rồi trộn đều. Sau đó bạn thêm đậu phộng rang dập, hành phi và rau răm cắt nhỏ vào trộn thêm lần nữa là hoàn thành rồi.
Gỏi củ kiệu tôm khô với cách làm đơn giản mà thành phẩm giòn giòn, bùi bùi mà hương vị lại rất thơm ngon đấy.
Củ kiệu tôm khô ngon nhất là làm xong rồi ăn luôn. Như thế củ kiệu vẫn giữ được độ giòn, tôm khô ngấm gia vị mà không bị mềm quá.
Nhưng có nhiều hôm mình vẫn trộn hơi quá tay, cả nhà ăn không hết thì vẫn bảo quản tủ lạnh được nhé. Bạn cho củ kiệu tôm khô vào hộp đậy kín rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh, ăn trong khoảng 2 - 3 ngày.
Dù củ kiệu tôm khô là món ăn rất đưa miệng nhưng bạn cũng nên lưu ý khi ăn nhé.
Bạn không nên ăn củ kiệu liên tục và khi đang đói. Vì như thế sẽ dễ dẫn đến đau dạ dày.
Củ kiệu tôm khô làm món ăn kèm thì được nhưng khi làm món nhắm bạn nên lưu ý ăn cùng các món khác nữa nhé.
Công thức mình chia sẻ ở trên thật đơn giản phải không? Mình tin là chỉ cần bạn làm theo đúng các bước như mình chia sẻ thì sẽ đạt có món củ kiểu tôm khô thành công.
Bày đĩa củ kiệu tôm khô lên mâm chắc hẳn ai cũng sẽ xuýt xoa thưởng thức và khen ngợi bạn đó.
Hãy vào bếp ngay và thử trổ tài món củ kiệu tôm khô nhé. Hi vọng bạn có bữa cơm ấm áp bên gia đình.
Tham khảo thêm một số món ăn kèm giải ngán mà Thật Là Ngon đã chia sẻ bạn nhé.