Chua chua ngọt ngọt giòn giòn
Dưa kiệu chua ngọt được làm bằng cách muối hành kiệu với giấm đường. Tưởng chừng đơn giản nhưng để làm được dưa kiệu giòn ngon không bị đen thì vẫn cần chú ý trong cách làm dưa kiệu chua ngọt.
Nhắc đến dưa kiệu hẳn là bạn sẽ nhớ đến món ăn có hương vị chua ngọt hấp dẫn. Hành kiệu sau khi được đem ngâm sẽ không còn vị cay gắt nữa mà thay vào đó là vị hăng nhẹ đặc trưng. Hương vị này rất phù hợp để cân bằng vị giác với những món ăn béo ngậy chế biến từ thịt như thịt heo quay, thịt xá xíu, vịt quay da giòn,...
Món thịt nếu mua ngoài hàng mà được thêm phần hành kiệu chua ngọt nho nhỏ cũng thể hiện sự quan tâm của người bán hàng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ lo ngại về chất lượng của loại dưa kiệu này. Dưa kiệu muối không để được lâu nên chúng ta sợ rằng người bán hàng có trộn thêm chất bảo quản thực phẩm độc hại.
Nếu bạn thích ăn dưa kiệu hãy học cách làm dưa kiệu chua ngọt cơ bản theo hướng dẫn của Thật Là Ngon nhé! Làm một hũ ăn dần đảm bảo thỏa mãn cơn thèm thuồng luôn.
Hành kiệu tươi, mới thu hoạch là yếu tố quan trọng nhất giúp tạo nên mẻ dưa kiệu chua ngọt ngon chuẩn miễn bàn. Để chọn mua được hành kiệu đúng ý muốn bạn dựa vào những điểm sau đây nhé!
Sau khi mua hành kiệu về, chúng cần ngâm trong nước qua đêm hoặc để 12 tiếng đồng hồ. Bởi vì hành kiệu với phần thân rễ trồng trong đất nên bị bám bẩn. Việc ngâm nước giúp chất bẩn bở ra, sau này rửa dễ dàng hơn. Đồng thời, hành kiệu ngâm nước được giòn ngon hơn.
Trong phần liệt kê nguyên liệu, mình có nhắc đến phèn chua và muối. Bạn chuẩn bị một chậu nước đầy đảm bảo ngâm ngập hành kiệu. Bạn hòa tan phèn chua, muối rồi cho kiệu vào ngâm.
Bạn có thể lựa chọn ngâm hành kiệu với nước phèn chua, muối hoặc nước vo gạo hoặc nước vôi trong đều được.
Ngâm đủ thời gian được khuyến nghị, bạn vớt hành kiệu ra rồi rửa sạch nhiều lần với nước. Bạn chú ý kỳ cọ từng củ hành kiệu và quan sát xem lớp đất bẩn đã hết hoàn toàn chưa?
Sau khi hành kiệu đã được làm sạch hoàn toàn, việc tiếp theo bạn cần phải làm là cắt sạch gốc rễ. Bạn chú ý không làm ngược lại, cắt rễ trước rồi ngâm, rửa sau. Nếu cắt rễ trước thì chất bẩn sẽ ngấm ngược vào phía bên trong thân của hành kiệu.
Bạn sử dụng con dao sắc để cắt gốc rễ, ngọn và lột bớt lớp vỏ bên ngoài nếu lớp vỏ này sẫm màu, bị nhũn nát. Khi cắt gốc rễ, bạn chú ý cắt sát gốc rễ hết sức có thể mà không cắt vào phần thân. Nhỡ chả may mà cắt vào phần thân, sau này đem muối, hành kiệu sẽ bị ngấm nhiều nước, mất đi độ giòn vốn có.
Làm sạch hành kiệu xong, bạn trút toàn bộ vào một chậu lớn. Bạn thêm đường vào trộn đều sao cho đường phủ kín từng củ hành kiệu. Tiếp theo, bạn đem kiệu đi phơi ở nơi khô thoáng trong 3 giờ đồng hồ.
Bạn chú ý không phơi khô hành kiệu ngoài nắng nhé! Mục đích phơi hành kiệu không phải để làm khô mà chỉ muốn đường được ngấm vào bên trong từng củ hành kiệu.
Trong quá trình phơi, thi thoảng bạn dùng đũa đảo đều. Nếu bạn sợ bụi bẩn rơi vào mẻ hành kiệu đang phơi thì có thể sử dụng vải thưa/ màng bọc thực phẩm che lên trên.
Bạn chuẩn bị một chiếc nồi sạch. Bạn đổ toàn bộ giấm, đường, muối vào để đun sôi.
Trong quá trình đun, bạn sử dụng thìa/ đũa để khuấy đều và kiểm tra xem đường, muối đã tan hết chưa?
Khi đường muối đã tan hết, bạn tắt bếp và bắc nồi ra để cho nước ngâm nguội hẳn.
Bạn phải chờ cho nước ngâm nguội hẳn mới được mang đi ngâm dưa kiệu nhé! Kẻo nước vẫn giữ nhiệt độ cao làm cho hành kiệu bị chín mất.
Theo nhận xét của nhiều người, sử dụng giấm tự làm ngon hơn loại giấm đóng chai công nghiệp. Nếu có khả năng tự làm giấm hoặc xin được bạn bè, họ hàng giấm gạo, giấm táo,... thì bạn hãy sử dụng để muối dưa kiệu nhé! Đảm bảo hương vị sẽ chua dịu và thơm ngon hơn.
Bạn cần đảm bảo dụng cụ muối dưa kiệu phải sạch sẽ và có nắp đậy kín. Nếu bình đựng không sạch có thể dẫn đến dưa kiệu muối bị nổi váng, chua thối.
Bạn có thể sử dụng bình đựng bằng thủy tinh hoặc bằng nhựa. Rửa bình xong, nếu là bình thủy tinh thì bạn thêm thao tác tráng bình qua nước sôi để khử trùng. Sau đó, bạn dùng khăn sạch để lau bình cho khô hẳn.
Thao tác muối dưa kiệu rất đơn giản.
Bạn chỉ cần trút toàn bộ hành kiệu đã sơ chế vào bình. Phần nước đường chảy ra khi trộn hành kiệu với đường ban nãy, bạn cũng trút vào bình luôn nhé!
Bạn tiếp tục đổ phần nước ngâm đã để nguội vào.
Cần đảm bảo nước ngâm ngập kín hành kiệu nhé bạn!
Nếu gia đình bạn ăn được cay, bạn có thể thêm ớt quả cắt lát vào ngâm cùng. Hoặc nếu muốn lọ dưa kiệu bắt mắt hơn, bạn có thể thái lát cà rốt vào để trang trí cho đẹp.
Bạn đậy kín nắp bình lại rồi để yên tại vị trí khô thoáng. Việc tiếp theo cần làm đó là chờ đợi. Chờ 2-3 ngày để cho nước muối ngấm vào hành kiệu tạo thành món dưa kiệu thành phẩm ngon lành.
Sau 2-3 ngày chờ đợi, bạn hãy mở nắp bình ra và gắp từng củ dưa kiệu ra đĩa. Món ăn sẵn sàng được xếp lên mâm để cùng thưởng thức với nhiều món ăn khác nhau.
Nhờ có món dưa kiệu chua ngọt mà bữa ăn được cân bằng vị giác. Bữa cơm có rau, có thịt lại có thêm cả đồ ăn kèm trông càng thịnh soạn và tỉ mỉ hơn.
Dưa kiệu thành phẩm vẫn giữ được màu trắng nguyên bản. Vị hăng cay không còn nhiều nữa mà chỉ thoang thoảng vị cay nhẹ. Từng miếng dưa kiệu xen chút vị ngọt của đường, vị mặn của muối, vị chua của giấm.
À nếu muốn ăn dưa kiệu chua hơn thì bạn có thể để ngâm lâu một chút. Nhưng cũng chỉ thêm 1-2 ngày nữa thôi bạn nhé! Nếu ngâm lâu quá, dưa kiệu bị chua ủng không thể ăn được.
Dưa kiệu chua ngọt quả thật rất dễ kết hợp cùng nhiều món ăn ngon. Bên cạnh dưa cải muối, cà pháo muối,... thì dưa kiệu cũng là món ăn kèm kiểu Việt được nhiều gia đình yêu thích. Trước mỗi dịp Tết, hành kiệu loại tươi ngon được bày bán rất nhiều. Bạn hãy tranh thủ làm một bình ngâm để ăn trong dịp Tết nhé!
Bạn đừng lo ngâm nhiều quá mà khó có thể ăn hết. Mình mách bạn thêm một mẹo biến hóa món dưa kiệu này! Đây hoàn toàn là kiểu thưởng thức của gia đình mình thôi. Bạn có thể thái dưa kiệu thành lát mỏng. Sau đó đem trộn đều với đường, tương ớt. Ăn ngon lắm nhé bạn! Thậm chí ăn cùng cơm trắng cũng hợp cơ.
Thật Là Ngon giới thiệu với các bạn thêm một số món ăn kèm trong bữa cơm cũng siêu ngon này!
*Ảnh sưu tầm