Nồi cơm điện không chỉ để nấu cơm nhé!
Làm sữa chua tại nhà là việc vô cùng quen thuộc với nhiều bạn. Hầu hết mọi người đều nói “Làm sữa chua rất đơn giản!”. Và sẽ đơn giản hơn nữa nếu bạn ủ sữa chua bằng nồi cơm điện.
Trong loạt bài về sữa chua, Thật Là Ngon đã giới thiệu với các bạn rất nhiều cách ủ. Hôm nay sẽ là một phương pháp nữa, tận dụng món đồ vô cùng quen thuộc mà gần như nhà nào cũng có: nồi cơm điện.
Hiện nay trên thị trường đã có những loại nồi cơm điện có chức năng ủ sữa chua rồi, nhưng đâu phải nhà nào cũng sở hữu loại đấy. Thế nên trong công thức này tụi mình sẽ hướng dẫn các bạn cách ủ sữa chua bằng nồi cơm điện thường.
Chưa hết, hôm nay Thật Là Ngon còn mang đến cho bạn công thức làm sữa chua đậu nành thơm ngon, bổ dưỡng nữa.
Nào, mình cùng bắt tay làm nha!
Tiệt trùng dụng cụ, đặc biệt là hũ đựng là bước rất quan trọng khi làm sữa chua. Nếu không được vệ sinh và tiệt trùng kỹ, các vi khuẩn hoặc tạp chất có thể “xâm nhập” vào nguyên liệu khiến sữa chua bị hỏng.
Cách tiệt trùng đơn giản nhất là bạn mang tất cả các dụng cụ sẽ sử dụng trụng qua nước sôi (30-60 giây) rồi gắp ra và để tự khô. Nếu nhà có lò nướng thì sau khi chần nước sôi, bạn cho dụng cụ vào lò sấy khô trong vòng 2-3 phút, ở nhiệt độ tầm 80-100°C.
Nhiều bạn sau khi tiệt trùng dụng cụ hay lấy khăn/khăn giấy lau lại, mình thấy bước này không cần thiết đâu. Nếu khăn không sạch hoặc lẫn tạp chất (khăn giấy) thì dụng cụ không những không sạch hơn, mà có thể còn nhiễm khuẩn ngược nữa.
Bình thường mọi người hay dùng sữa chua thành phẩm để làm men cái. Bạn nào ăn chay trường hoặc không dung nạp lactose, có thể mua sữa chua đậu nành tự nhiên về làm men. Với 1 lít sữa đậu nành, bạn dùng khoảng 2 thìa canh sữa chua là vừa.
Ngoài loại men cái là sữa chua thành phẩm, ở công thức này mình sẽ dùng men sữa thực vật khô.
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại men khô. Nếu ủ bình thường, mình hay dùng men probiotic. Sữa chua thành phẩm từ loại men này sẽ có kết cấu kém đặc một chút và chua nhiều hơn bình thường.
Những bạn nào ăn chay trường (vegan) hay dị ứng sữa bò thì có thể dùng men sữa thực vật (non-dairy) như công thức này.
Bạn nào lười ủ lỉnh kỉnh có thể dùng men Kefir. Với loại này, bạn chỉ cần hòa tan men với sữa rồi cho vào lọ, đậy kín, để ở nhiệt độ phòng. Trong vòng 24 giờ là có ngay sữa chua như ý.
Tuy nhiên, men Kefir kỵ ngọt nên bạn chỉ có thể làm sữa chua không đường. Bạn nào hảo ngọt có thể thêm mật ong, sữa đặc hoặc hoa quả khi ăn.
Sữa đậu nành, nếu muốn tự nấu bạn tham khảo chi tiết thêm ở bài Cách làm sữa đậu nành nha. Bạn nào muốn tiết kiệm thời gian có thể sử dụng sữa đậu nành đóng hộp.
Tuy nhiên, men chỉ hoạt động tốt ở 32-48°C và sẽ chết nếu gặp nhiệt cao hơn. Vì thế bạn cần để sữa hạ nhiệt một chút nếu dùng sữa tự nấu hoặc hâm ấm khi sử dụng sữa đóng hộp. Hơn nữa, men rất nhạy với nhiệt độ, vậy nên nếu có thể thì chúng mình dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ cho chính xác nhé.
Ở công thức này mình làm sữa chua lạt nên không cho thêm đường, bạn thích ngọt có thể thêm 1-3 thìa cà phê đường khi nấu/ hâm sữa. Nhưng sữa chua nếu cho quá nhiều đường sẽ khó đông lại, bạn nào hảo ngọt nhớ lưu ý điểm này nha.
Khi hòa men vào sữa, bạn chỉ cần trộn nhẹ nhàng, không nên khuấy đảo quá mạnh. Bạn nào cẩn thận thì múc một ít sữa ra chén con để hòa tan men cái rồi hẵng trộn dung dịch men vào sữa.
Việc men hòa tan hoàn toàn sẽ giúp sữa chua của bạn mướt mịn, không bị vón cục và lắng xuống đáy gây hiện tượng nhớt đáy cốc.
Nhiều người nghĩ rằng cho càng nhiều men thì sữa sẽ nhanh đông và chua. Thật ra, lượng men bạn cần dùng chỉ nên dao động từ 2-10% so với lượng sữa mà thôi. Nếu nhiều hơn lượng này, sữa chua sẽ bị đặc, kém mịn, dễ tách nước và bị nhớt.
Trộn men với sữa xong, bạn múc dung dịch đổ đầy các hũ đựng và đậy nắp kín lại. Sau đấy bạn để vào nồi cơm điện một cái đĩa sứ sâu lòng, đặt vỉ ráo dầu lên trên đĩa, đổ nước nóng (70-75°C) xâm xấp đĩa rồi xếp các hũ sữa chua vào, đậy nắp nồi lại.
Nhiệt độ trên 50°C men sẽ chết nên bạn chú ý không để hũ sữa chua tiếp xúc trực tiếp với nước nóng nha. Việc dùng đĩa và vỉ ráo cũng là để tránh cho hũ sữa chua tiếp xúc trực tiếp với đáy nồi cơm điện. Khi chúng mình bật nồi hâm nước có thể khiến nhiêt của hũ sữa chua tăng quá cao làm chết men.
Tùy vào điều kiện thời tiết, cứ 2-3 tiếng bạn kiểm tra nhiệt độ nước trong nồi cơm điện một lần để đảm bảo luôn giữ nhiệt độ môi trường ủ ở mức lý tưởng (40-42°C). Nếu nhiệt độ thấp hơn mức này thì sữa chua có thể sẽ không đông.
Tùy vào nhiệt độ môi trường ủ, nếu đảm bảo được mức nhiệt luôn luôn ở tầm 40°C thì khoảng 4-8 tiếng là bạn đã thu được mẻ sữa chua thành phẩm rồi. Lưu ý là bạn không nên ủ sữa chua quá 12 tiếng nhé. Việc ủ quá lâu có thể khiến sữa chua của mình bị nhớt và tách nước.
Dùng nồi cơm điện ủ sữa chua tiện ở chỗ bạn không cần phải thêm nước nóng thường xuyên. Khi nước nguội bạn chỉ cần bật chế độ hâm lại (warm) khoảng 10-15 phút để nước ấm lại thôi.
Trong quá trình ủ sữa chua, bạn tránh xê dịch hoặc tác động lực mạnh vào nồi ủ sữa nhé. Nếu không sữa chua dễ bị long chân và khó đông.
Sau khi ủ tầm 4-8 tiếng, sữa chua đông lại là bạn có thể lấy ra cho vào ngăn mát tủ lạnh (nhằm làm chậm quá trình lên men), để dành dùng dần.
Sữa chua đậu nành lên men tự nhiên có màu trắng ngà hoặc trắng xám nhạt, vị chua dịu nhẹ, thanh mát.
Tuy nhiên sữa chua nhà làm thì hạn sử dụng bao giờ cũng ngắn hơn sữa chua công nghiệp. Vì thế bạn chỉ nên làm vừa đủ dùng trong vòng 7-10 ngày thôi. Nếu sữa chua để lại làm men cái thì không nên quá 7 ngày.
Nhắc nhỏ bạn nào tự nấu sữa đậu nành thì phần bã đậu bạn đừng bỏ đi nhé!
Chúng mình có thể tận dụng nó làm một số món ăn rất ngon như bã đậu chiên giòn, bánh cống bã đậu, gà viên bã đậu, bánh bao bã đậu,… hoặc làm thức ăn gia súc hay bón cây nữa. Vừa tiết kiệm lại vừa không sinh sản phẩm thải ra môi trường.
Vì có thành phần chính là đậu nành nên khi sử dụng bạn cần lưu ý:
Sữa chua Hy Lạp, sữa chua uống, sữa chua dẻo,… và hôm nay là sữa chua đậu nành ủ bằng nồi cơm điện. Hy vọng những công thức đơn giản và mẹo nho nhỏ Thật Là Ngon đã chia sẻ sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị trong căn bếp của mình.
*Ảnh nguồn Internet