menu opt-in

Cách Làm Mứt Dừa 🥥

Cách Làm Mứt Dừa 🥥

Vị tết truyền thống

Bài viết bởi Nuu cà bông, đăng ngày 14-01-2021. Cập nhập ngày 10-02-2022.

Vài năm trở lại đây, việc tự chuẩn bị vài món bánh mứt đãi khách dịp Tết trở thành một trào lưu được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Thế nên, để mở hàng cho chuỗi bài mứt Tết, Thật Là Ngon sẽ giới thiệu đến bạn cách làm mứt dừa vừa ngon, vừa cực kỳ cực kỳ dễ làm nha!

Ngày xưa, cứ tầm tháng chạp là chị em phụ nữ lại xắn tay chuẩn bị mứt này bánh nọ, làm túc tắc để đến Tết đơm lên mời khách. Những món bánh mứt truyền thống giản dị như mứt dừa, mứt quật, bánh gai, bánh thuẫn… xuân nào cũng thấy, xuân nào cũng ăn mà chả xuân nào ngán cả.

Với thế hệ 8x, 9x, những loại mứt bánh ấy cũng là một phần của tuổi thơ. Có một đoạn, các món bánh mứt truyền thống gần như bị quên lãng và thay thế bởi những loại bánh kẹo hiện đại bắt mắt hoặc những món đồ ngọt ngoại nhập như bánh dứa, kẹo hạnh phúc,...

Nhưng vài năm gần đây, khi phong cách retro (hoài cổ) lên ngôi, những món ăn truyền thống lại một lần nữa ngược dòng trở lại. Giờ đây, nét truyền thống ấy được khoác lên mình những tấm áo hiện đại hơn để hòa mình với hơi thở đời sống mới.

Trong serie các món Tết, Thật Là Ngon đã giới thiệu đến bạn cách làm bánh chưng, bánh tét. Và giờ thì tiếp tục với các món mứt, mà khai màn là mứt dừa.

Nào, vào bếp thôi!

Cách Làm Mứt Dừa thatlangon.com
In Công Thức
5 from 1 vote

Cách Làm Mứt Dừa

Tuy khá nhiều công đoạn nhưng làm mứt dừa thật sự rất đơn giản. Bạn chỉ cần bỏ chút công sức là có thành quả ngoài mong đợi rồi.
Chuẩn bị1 giờ 50 phút
Nấu30 phút
Thời gian chờ8 giờ
Tổng thời gian10 giờ 20 phút
Bữa ăn: Mứt, Quà vặt
Đặc sản: Việt Nam
Keyword: mứt, mứt dừa
Calories: 368kcal

Nguyên Liệu

Dụng Cụ

  • Chảo lớn, đáy dày
  • Hũ thủy tinh đựng mứt

Hướng dẫn

Bước 1: Sơ chế dừa

  • Dừa bổ ra, nạy lấy cùi dừa, bào bỏ phần vỏ lụa nâu rồi rửa sạch để ráo.
  • Cùi dừa bào sợi cho vào ngâm với nước pha muối và chút nước cốt chanh khoảng 30 phút.
  • Rửa dừa vài lần đến khi nước trong, cầm sợi dừa không còn trơn nhớt thì đổ ra rổ để ráo.
  • Nấu một nồi nước sôi và cho dừa vào chần chừng 5-10 cho dầu dừa rút ra bớt rồi vớt ra ngâm nước lạnh thêm 1 giờ. Sau đấy tiếp tục rửa dừa thêm vài lần đến khi nước trong thì vớt ra để ráo.
  • Ướp dừa với đường theo tỉ lệ 2:1, chừng 8-10 tiếng.

Bước 2: Sên dừa

  • Cho sợi dừa đã ướp đường vào chảo sên, khi nước đường sôi thì hạ lửa nhỏ và đảo dừa nhẹ nhàng liên tục.
  • Khi nước đường cạn thì cho sữa tươi vào và tiếp tục đảo liên tục trên lửa liu riu.
  • Đến khi đường kết tinh và mứt dừa bông lên thì tắt bếp và tiếp tục đảo dừa bằng hơi nóng của chảo cho dừa ráo.

Bước 3: Hoàn thành

  • Dừa sên xong để nguội cho vào lọ cất nơi thoáng mát để dùng dần.

Nutrition

Khẩu phần: 100g | Calories: 368kcal
Bạn thử chưa?Đăng ảnh lên @ThatLaNgon hoặc tag #thatlangon nhé!

Cách làm mứt dừa chi tiết

Bước 1: Chuẩn bị

Mỗi loại mứt dừa sẽ cần dừa nguyên liệu khác nhau. Nếu bạn làm mứt dừa bào sợi hoặc mứt dừa hoa cúc thì dừa bánh tẻ là lựa chọn tuyệt nhất. Với mứt dừa miếng, dừa hạt lựu thì bạn nên chọn dừa non, còn dừa già thích hợp để làm dừa bào sấy khô.

Để chọn được dừa nguyên liệu phù hợp bạn cần chú ý vài đặc điểm nho nhỏ như sau:

Với dừa nguyên vỏ:

  • Dừa non sẽ có da mềm, màu xanh tươi, phần cuốn dừa xanh sáng. Vỏ dừa chỗ gần cuống bạn có thể cào ra được dễ dàng. Khi gõ vào vỏ, dừa phát ra âm thanh trầm đục.
  • Dừa bánh tẻ (dừa không non không già) sẽ có da rám, vỏ hơi ngả màu và vẫn còn hơi mềm. Khi bấm móng tay vào vỏ dừa sẽ có cảm nhận được độ tơi xốp của xơ dừa.
  • Dừa già vỏ ngả màu xanh cỏ úa/vàng nâu và rất khô không thể bấm vào da dừa được, khi cào phần vỏ gần cuống sẽ không bị tróc. Khi gõ vào vỏ dừa, âm thanh phát ra trong và vang.

Cách Làm Mứt Dừa Chuẩn Nhất thatlangon.com

Với dừa đã tách vỏ chỉ còn lớp vỏ lụa nâu bên ngoài thì bạn chú ý màu càng đậm, lớp vỏ lụa càng cứng thì dừa càng già. Nếu bạn mua dừa khô, tương tự như lớp vỏ lụa, màu gáo/màu lớp xơ dừa sẫm chừng nào dừa già chừng đó.

Khi mua dừa bạn nhờ người bán tách vỏ xơ dừa ra hộ luôn cho tiện nhé. Về nhà bạn chỉ cần chọc mấy lỗ trên sọ dừa để lấy hết nước. Nước dừa bạn có thể uống tươi hoặc tận dụng làm thêm mấy món đơn giản như thạch dừa, kem trái dừa hoặc nấu lẩu Thái,…

Phần sọ dừa sau khi rút hết nước, bạn đem đi nướng bằng bếp ga/ lò nướng (~170˚C) trong vòng 30-40 phút. Hoặc nếu nhà có lò vi sóng bạn cho vào quay nóng chừng 4-6 phút cũng được. Sau khi dừa nguội, bạn dùng sống dao vừa gõ vừa xoay một đường vòng tròn quanh trái dừa thì sọ dừa sẽ nứt đôi.

Meo Lay Cui Dua Cuc De 1(1) Tile

Lúc này bạn dùng cán thìa hoặc dao lưỡi mỏng nạy nhẹ nhàng quanh mép sọ dừa từ rìa vào trong lòng là sẽ dễ dàng lấy được cùi dừa nguyên vẹn. Tiếp đấy bạn bào bỏ phần vỏ lụa màu nâu ở mặt sau cùi dừa rồi rửa sạch để ráo.

Đơn giản hơn, nếu mua dừa mà chỉ còn lớp vỏ lụa nâu, bạn có thể dùng nạo hoặc dao bào bỏ phần vỏ lụa rồi bổ đôi quả dừa thôi. Nhớ bổ dừa trong cái âu/chậu lớn để phần nước dừa không chảy tung tóe nha!

Duatroc

Bạn lấy 1 chậu nước (~ 1 lít nước) cho vào 1 thìa cà phê muối và vắt thêm nửa quả chanh, khuấy đều cho mọi thứ tan hết. Sau đấy bạn bào dừa thành những sợi dài như mong muốn rồi cho vào chậu nước đã chuẩn bị, ngâm trong vòng 30 phút để dầu dừa rút ra bớt.

Cách Làm Mứt Dừa 211844 Tile

Sau khi ngâm, bạn rửa sợi dừa vài lần, đến khi nước trong veo, cầm sợi dừa thấy không còn trơn nhớt thì đổ ra rổ để ráo.

Tiếp đấy bạn nấu nước sôi, chần sợi dừa chừng 5-10 phút (nếu dừa già bạn chần lâu hơn tí) rồi vớt ra ngâm tiếp nước lạnh thêm 1 giờ. Sau đấy lại tiếp tục rửa sợi dừa đến khi nước trong rồi vớt ra để ráo.

Sợi dừa càng ít ngậm dầu chừng nào thì món mứt của bạn sau này sẽ càng bông ráo, không bị chảy nước và bảo quản được lâu chừng đấy.

Khi sợi dừa ráo nước, bạn ướp dừa với đường theo tỉ lệ 2:1, cứ 1 lớp dừa rải 1 lớp đường. Cho đường vào ướp xong bạn lắc lắc âu nhẹ nhẹ để đường phủ đều dừa. Vì sợi dừa mềm khá dễ gãy nên bạn tránh dùng đũa đảo nhé. Bạn ngâm chừng 8-10 tiếng cho dừa ngấm. Khâu chuẩn bị này bạn có thể làm từ đêm trước và ướp dừa qua đêm.

Cách Làm Mứt Dừa 212200 Down

Ngoài mứt dừa sợi trắng truyền thống, bạn có thể tạo hình và dùng các loại màu hoa quả tự nhiên (hoa đậu biếc, chanh leo, hoa bụp giấm, cà phê, trà xanh,…) ướp cùng đường với dừa để nhuộm màu và tạo hương vị để món mứt dừa của mình thêm đặc sắc nhé.

Cách Làm Mứt Dừa 01 01 213439 Down

Khi nhuộm màu, bạn chú ý tỷ lệ lượng nước màu nhuộm không nên quá 10% so với lượng đường, nếu không đường sẽ dễ bị cháy khi sên. Vì thế các loại nước màu bạn phải pha thật đặc.

Đặc biệt, các loại nước màu lấy từ quả có vị chua như chanh dây, bụp giấm,… nếu cho quá nhiều sẽ khiến đường khó kết tinh hoặc mứt nhanh chảy nước. Thế nên bạn nào chưa có kinh nghiệm làm mứt, có thể dùng các nguyên liệu thay thế có màu tương tự như nghệ, củ dền, kỷ tử,…

Để mứt dễ kết tinh đường, ráo và giữ được màu trắng thì bạn không nên dùng đường bột hay đường nâu mà nên dùng đường kính trắng. Bạn nào làm mứt lần đầu thì nên cho nhiều đường thêm một tí (tỉ lệ đường bằng 60-70% lượng dừa) để đảm bảo tỉ lệ thành công của mẻ mứt cao hơn.

Cho nhiều đường một chút thì mứt sẽ khô và vị ít ngậy hơn. Khi sên mứt xong mình còn rũ (giũ) đường ra khỏi mứt nữa nên bạn không cần lo mứt sẽ bị ngọt quá nhé.

Bước 2: Sên dừa

Sau khi ướp qua đêm, đường sẽ tan ra nước và sợi dừa sẽ chuyển thành màu trắng trong trong như thế này.

Bạn đổ dừa và nước đường vào chảo (hoặc nồi to) sên với lửa trung bình, đoạn đầu dừa còn khá mềm nên bạn đừng khuấy đảo nhé, tránh sợi dừa bị gãy vụn. Sên mứt thường khá mất thời gian, nên bạn cần sử dụng chảo có đế dày, chịu nhiệt tốt một chút, nếu có chảo gang thì càng tốt.

Cách Làm Mứt Dừa 01 01 212255 Down

Khi nước đường bắt đầu sôi, bạn hạ lửa nhỏ dần và đảo nhẹ để sợi dừa ráo và không bị cháy. Cứ thế đến khi nước đường cạn, bạn chỉnh lửa liu riu và cho sữa tươi vào rồi tiếp tục đảo.

Khi đường kết tinh và mứt dừa bông lên thì bạn tắt bếp và tiếp tục đảo dừa bằng hơi nóng của chảo thêm chừng 10-15 phút nữa cho dừa ráo hẳn.

Nếu bạn muốn tạo hình dừa thành các hình hoa cuộn thì nên tranh thủ uốn khi sợi dừa còn nóng mềm nhé.

Bước 3: Cách Làm Mứt Dừa - Hoàn thành

Bạn để mứt khô và tự nguội trong chảo. Khi mứt nguội hoàn toàn, nếu ướp nhiều đường thì bạn có thể rũ bớt trước khi cho mứt vào lọ cất.

Bạn nên dùng hũ/lọ thủy tinh có nắp đậy kín để đựng mứt, nếu có túi hút ẩm thực phẩm cho vào thì càng tốt. Mứt cất nơi thoáng mát bạn có thể dùng trong vòng 2-4 tuần.

Mứt thành phẩm giữ nguyên được sợi dài, không bị gãy vụn, đều màu (nếu nhuộm), có kết tinh đường bám đều và không bị cháy. Mứt dừa khô ráo, không bị chảy nước sau khi sên là mẻ mứt của bạn thành công.

Mut Dua

Thật Là Ngon tin chắc tự làm mứt dừa không phải là thử thách quá khó với bạn, đúng không?

Hy vọng với công thức chúng mình chia sẻ, Tết này bạn vừa có mứt dừa handmade mời khách vừa có mứt để biếu bạn bè. Và đừng quên chia sẻ với chúng mình thành quả của bạn nữa nha!

*Ảnh nguồn Internet

Bài viết bởi Nuu cà bông
Xin chào, Mình là Nuu! Với mình, tự nấu ăn cho bản thân và người thương là một trải nghiệm rất tuyệt. Lần đầu vào bếp có thể rất vụng về, nhưng chỉ cần bạn kiên nhẫn và dám thử thì không thực đơn nào không thể chinh phục. Mong rằng những chia sẻ của mình ở Thật Là Ngon có thể truyền ít nhiều cảm hứng vào bếp cho mọi người. :D
5 from 1 vote (1 rating without comment)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chấm Điểm




Bài viết Khác

Ủng hộ

Chi phí hoạt động của Thật Là Ngon hoàn toàn dựa vào sự ủng hộ của bạn đọc.
Hãy hỗ trợ chúng tôi bằng cách sử dụng link giới thiệu bên dưới mỗi khi mua sắm.
Xin chân thành cám ơn bạn!
databaselayers