Hãy lưu lại thêm một công thức món ăn ngon từ thịt vịt!
Khi xem bài viết này xong, mong rằng một ngày không xa, bạn sẽ bắt tay vào bếp trổ tài làm món vịt nấu măng thơm ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng chiêu đãi gia đình và bạn bè.
Thịt vịt vốn là món ăn không còn xa lạ với người dân Việt Nam vì giá trị dinh dưỡng có trong thịt vịt và giá thành lại rất bình dân. Cách chế biến thịt vịt rất linh hoạt thành nhiều món ngon khác nhau, trong đó vịt nấu măng được nhiều người yêu thích. Vịt nấu măng có thể ăn liền, nhấm nháp cùng nước chấm hoặc ăn cùng bún, cơm rất hợp lại giúp no lâu.
Cách làm vịt nấu măng không quá cầu kỳ, bạn có thể dễ dàng làm tại nhà với công thức mà Thật Là Ngon chia sẻ sau đây.
Chúng ta bắt đầu nhé!
Trước khi chế biến vịt nấu măng thì chúng ta cần lựa chọn thịt vịt và măng thật ngon, để khi đun lâu, hương vị 2 nguyên liệu này hòa quyện với nhau, chuẩn vị như nhà hàng chuyên nghiệp.
Một bữa ăn gia đình Việt thường có 4-5 người nên chọn mua con vịt tầm 1,2-1,5 kg sẽ phù hợp với nhu cầu dùng bữa của cả gia đình. Để chọn được con vịt ngon, chúng ta nên chọn vịt cỏ, không quá béo, cầm lên chắc tay.
Thịt vịt khá nặng mùi hơn thịt gà nên bạn cần sơ chế kỹ. Bạn nhổ bỏ phần lông măng còn sót lại trên thân vịt rồi rửa lại bằng nước sạch. Để loại bỏ bớt mùi hôi của thịt vịt, bạn thái lát gừng bỏ cùng rượu rồi thoa đều rượu gừng lên thịt vịt khoảng 3 phút và rửa lại bằng nước sạch nhiều lần. Bạn để cho thịt vịt thật ráo nước.
Không như thịt gà, phần cổ, chân của vịt không ngọt nên thường bị bỏ đi. Thậm chí khi bán, người bán hàng thường loại bỏ để đỡ bị thiu. Chúng ta chỉ dùng phần thịt vịt ngon để đem chế biến. Bạn chặt nhỏ thịt vịt thành các miếng vừa ăn.
Tiếp theo, bạn trộn đều hỗn hợp gia vị ướp thịt vịt trong một chiếc âu/ nồi to và bỏ thịt vịt đã chặt nhỏ vào bóp cùng. Bạn ướp trong 20-30 phút để thịt vịt ngấm đều gia vị.
Trong măng có chứa axit xianhidric nên nếu ăn măng không được sơ chế kỹ, chúng ta có thể bị ngộ độc măng với các triệu chứng như đau đầu, nôn mửa,… Axit xianhidric sẽ mất đi khi măng được ngâm trong nước và đun chín nên đây là 2 bước cần thiết khi sơ chế măng.
Măng trong món vịt nấu măng bạn có thể sử dụng măng tươi hoặc măng khô, măng củ hoặc măng búp nhé. Măng củ ăn giòn hơn còn măng búp sẽ mềm hơn. Đối với măng khô thì bạn cần ngâm lâu hơn, nên ngâm măng khô qua đêm để nước dùng được trong, bớt đắng.
Bạn chọn những phần măng non, loại bỏ phần măng già, sau đó bạn xé sợi hoặc thái miếng vừa ăn. Chúng ta cần đun măng 2 lần, sau mỗi lần cần đổ măng ra rổ và xả rửa bằng nước sạch. Nếu cảm giác măng vẫn đắng, cứng và nước luộc vẫn tối màu thì bạn đun thêm 1-2 lần nữa.
Rau mùi tàu và hành lá bạn rửa sạch, để ráo nước rồi thái nhỏ hoặc cắt sợi theo sở thích. Cá nhân mình thích thái sợi hơn để ăn cùng vịt, măng cho thơm.
Trước khi đem nấu, phần thịt vịt và phần măng đã sơ chế nên đem xào để ngấm gia vị hơn. Khi xào, phần mỡ dưới da trong thịt vịt chảy bớt ra, thịt vịt sẽ săn lại và thơm hơn.
Đối với phần thịt vịt, bạn đảo 2 thìa cà phê hành tím băm nhỏ cùng dầu ăn cho dậy mùi rồi bỏ thịt vịt vào xào cùng khoảng 15-20 phút.
Tương tự, bạn đảo thơm hành tím băm nhỏ trong dầu ăn rồi cho măng vào xào cùng 2 thìa cà phê bột canh, 2 thìa cà phê hạt nêm trong khoảng 10 phút.
Trong quá trình xào nguyên liệu, bạn chú ý đảo đều tay để vịt và măng không bị cháy xém nhé. Bạn có thể cho thêm chút nước nếu thấy quá khô nhưng thường thì không cần đâu vì vịt và măng sẽ ra nước.
Đến bước nấu vịt, bạn đem thịt vịt đã đảo ngấm gia vị cùng 0,8-1 lít nước sạch vào một chiếc nồi to rồi đun sôi trong 20 phút. Nếu thấy có nhiều bọt thì bạn vớt bỏ phần bọt này đi để cho nước dùng được trong nhé. Tiếp tục, bạn cho phần măng xào vào nồi nước thịt vịt, đun cùng thêm khoảng 20 phút nữa.
Bạn có thể thấy quá trình đun vịt và măng tốn nhiều thời gian. Thế nhưng, việc đun lâu giúp vịt được nhừ và nước dùng ngọt hơn, măng ngấm nước thịt có vị thơm béo.
Khi vịt nấu măng được đun xong, bạn khoan tắt bếp mà hãy nêm nếm gia vị xem đã vừa miệng chưa và cho thêm hành, mùi tàu vào đun cùng 1-2 phút. Vậy là món vịt nấu măng được hoàn thành rồi. Cùng thưởng thức nào bạn!
Bạn hãy múc vịt nấu măng ra bát to để mọi người cùng thưởng thức nhé. Bạn cứ đun thật nhỏ lửa nồi vịt nấu măng để hâm cho nóng và ăn dần. Vịt nấu măng được đánh giá là ngon chuẩn vị khi thành phẩm tổng hòa các yếu tố sau:
Tuy rằng, thịt vịt nấu đã ngấm gia vị nhưng nếu bạn muốn tăng vị đậm đà hơn thì hãy pha nước chấm nhé.
Mình hướng dẫn bạn cách pha nước mắm gừng với công thức như sau: 4 thìa canh nước đun sôi để nguội, 4 thìa canh nước mắm, 2 thìa canh đường, 2 thìa canh nước cốt chanh, 2 thìa cà phê gừng băm, 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê ớt băm.
Phần thịt vịt chấm cùng nước mắm lại thêm một ít rau ngổ, rau húng, diếp cá, mùi tàu,… ăn kèm rất được lòng các đấng mày râu khi nhâm nhi cùng mấy chén rượu ngon. Thế nhưng, chị em văn phòng và lứa thanh niên cũng rất thích ăn vịt nấu măng cùng bún sợi. Đây là món ăn đầy đủ năng lượng mà cũng no lâu.
Trong thời buổi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu thì việc chế biến đồ ăn tại nhà được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Chỉ cần dành thời gian cùng với một chút tỉ mỉ, bạn và gia đình sẽ có ngay một bữa ăn ngon lành và tiết kiệm.
Còn rất nhiều món ngon từ thịt vịt như vịt om sấu, vịt quay,… cũng rất được lòng các bà nội trợ vốn khéo tay, mong muốn làm cho gia đình thưởng thức. Khi nào có dịp làm để thiết đãi mọi người, bạn hãy tham khảo công thức nấu ăn mà Thật Là Ngon chia sẻ nhé.
*Ảnh: Nguồn Internet