Sữa chua có gì mà luôn "hot" thế nhỉ?
Sữa chua thì không có gì xa lạ với mọi người đúng không nào! Chúng ta sử dụng sữa chua mỗi ngày nhưng bạn có chắc hiểu hết các tác dụng của sữa chua?
Sữa chua rất thơm ngon, bổ dưỡng và khi ăn thường xuyên có thể tăng cường một số khía cạnh sức khỏe của bạn. Ví dụ, sữa chua đã được chỉ ra có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim, tiểu đường và loãng xương, cũng như hỗ trợ giảm cân.
Bài viết này giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về 7 tác dụng đã được khoa học chứng minh của sữa chua.
Trước tiên, chúng mình cùng tìm hiểu một chút về sữa chua và cách làm ra nó nhé.
Sữa chua là một sản phẩm sữa phổ biến được được ra đời từ khoảng 5000 năm trước Công Nguyên ở vùng Mesopotamia. Sữa chua được tình cờ phát hiện ra khi những người du mục đựng sữa ngựa hay cừu trong các túi làm từ dạ dày của động vật. Việc làm đó vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn lên men phát triển và sữa chua hình thành từ đó.
Ngày nay, sữa chua đước sản xuất từ việc nuôi cấy vi khuẩn để lên men Lactose, loại đường tự nhiên có trong sữa. Các vi khuẩn được sử dụng để làm sữa chua được gọi là men sữa chua hay men cái.
Quá trình lên men sữa chua tạo ra Axit Lactic, một chất làm biến đổi protein trong sữa, tạo cho sữa chua hương vị và kết cấu độc đáo.
Sữa chua có thể được làm từ tất cả các loại sữa. Các loại làm từ sữa không béo, ít béo, hay nguyên béo. Sữa chua cũng có thể làm từ các loại hạt nhưng có thể sẽ không mang lại đầy đủ các tác dụng như của sữa chua làm từ sữa động vật.
Bản thân sữa chua không có đường nhưng hầu hết các loại sữa chua có mặt trên thị trường đều có bổ sung đường và các chất phụ để tăng thời gian bảo quản, độ dẻo và cả các hương vị nhân tạo. Những loại sữa chua này không hề tốt cho sức khỏe của bạn.
Vì vậy, các lợi ích cho sức khỏe dưới đây là tác dụng của sữa chua nguyên chất, không đường, làm từ sữa động vật.
Sữa chua cung cấp hầu hết mọi chất dinh dưỡng mà cơ thể bạn cần. Nó đặc biệt giàu Canxi, Vitamin B và các vi khoáng.
Canxi là một khoáng chất cần thiết cho răng và xương khỏe mạnh. Chỉ một cốc cung cấp 49% nhu cầu Canxi hàng ngày của bạn.
Nó cũng chứa nhiều vitamin B, đặc biệt là vitamin B12 và Riboflavin, cả hai đều có thể bảo vệ chống lại một số bệnh về tim.
Một cốc sữa chua cũng cung cấp 38% nhu cầu Phốt pho hàng ngày của bạn, 12% cho Magiê và 18% cho kali. Những khoáng chất này rất cần thiết cho một số quá trình sinh học, chẳng hạn như điều hòa huyết áp, trao đổi chất và sức khỏe của xương.
Sữa chua cũng là nguồn cung cấp protein tuyệt vời cho cơ thể. Mỗi cốc sữa chua sẽ chứa khoảng 8.5 g protein, chiếm 17% tổng lượng protein cần thiết mỗi ngày.
Trong mỗi hộp sữa chua đều có rất nhiều men vi sinh có ích hay các lợi khuẩn giúp tăng cường hệ vi sinh vật, từ đó giúp hạn chế các vi sinh vật gây hại có thể gây nhiễm trùng đường ruột.
Lợi khuẩn chính trong sữa chua là Bifidobacteria và Lactobacillus. Trong đó, khuẩn Bifidobacteria đặc biệt có ích trong việc thúc đẩy hệ thống tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh, giúp khắc phục chứng đầy hơi, tiêu chảy hay táo bón.
Đó là lý do tại sao mọi người vẫn bảo nhau rằng ăn sữa chua sẽ tốt cho đường ruột.
Sữa chua cung cấp men vi sinh, Vitamin và khoáng chất, tất cả đều có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch của bạn, giúp cơ thể khỏe mạnh và ít bị nhiễm bệnh hơn.
Đặc biệt, các vi khoáng là Magie, Selen và Kẽm có trong sữa chua đóng vai trò quan trọng giúp các tế bào miễn dịch của bạn khỏe mạnh và hoạt động tích cực hơn. Do đó, sữa chua có công dụng tăng sức đề kháng, chống viêm, tăng khả năng bình phục cho các vết thương hở.
Một hệ miễn dịch mạnh khỏe cũng là cách giúp bạn chống lại COVID-19!
Sữa chua có tác dụng chống loãng xương, đặc biệt là với người cao tuổi. Các dưỡng chất có trong sữa chua như canxi, protein, kali, phốt pho rất quan trọng để duy trì sức khỏe của xương, răng.
Trong sữa chua có hàm lượng đường nhất định nhưng nó không làm gây sâu răng. Các nhà khoa học tại Đại học Marmara – Thổ Nhĩ Kỳ đã nghiên cứu và cho rằng sữa chua chứa hàm lượng chất béo thấp, không gây sâu răng và xói mòn men răng.
Ngoài ra, axit lactic có trong sữa chua còn giúp bảo vệ phần nướu răng của bạn. Nghiên cứu cho thấy những người ăn một hộp sữa chua hằng ngày có nguy cơ mắc những bệnh răng miệng ít hơn 60% những người không ăn sữa chua.
Sữa chua nguyên chất chứa một hàm lượng chất béo cao. Tuy chúng hầu hết là các chất béo bão hòa, loại chất béo được cho là gây ra các bệnh về tim, nhưng không có bằng chứng rõ ràng nào chứng minh chất béo trong sữa chua có hại cho sức khỏe của bạn.
Trên thực tế, các chất béo này còn có thể có lợi cho trái tim bạn. Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc hấp thụ chất béo bão hòa từ các sản phẩm sữa nguyên chất làm tăng Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) hay Cholesterol "tốt", có thể bảo vệ sức khỏe của tim và giảm tỷ lệ mắc bệnh tim nói chung.
Hơn nữa, sữa chua còn rất tốt cho những người bị huyết áp cao. Đây là một bệnh nguy hiểm thường gặp. Nếu bổ sung sữa chua hằng ngày, lượng kali có trong sữa chua sẽ giúp cơ thể bạn loại bỏ lượng muối dư thừa trong cơ thể bạn.
Một nghiên cứu mới nhất công bố trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ tháng 1, năm 2020 cho biết những người ăn sữa chua thường xuyên sẽ giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về tim mạch, đặc biệt là cho phụ nữ.
Một công dụng tuyệt vời của sữa chua mà không thể không nhắc đến là giảm cân. Theo một nghiên cứu của tiến sĩ Michael Zemel từ Đại học Tennessee, Knoxville, khi ăn sữa chua, cơ thể bạn tiết ra ít Cortisol hơn, giúp cho các Axit Amin dễ dàng đốt cháy các chất béo làm giảm hàm lượng mỡ bụng trong vòng eo của bạn.Những người áp dụng ăn kiêng kết hợp với sữa chua giúp giảm tới 22% kích thước của vòng eo so với những người chỉ áp dụng ăn kiêng đơn thuần.
Đồng thời, với hàm lượng chất béo cao rất thích hợp trong chế độ ăn kiêng Keto. Chế độ ăn kiêng nhiều chất béo có ích này cũng đã có những minh chứng cho thấy có tác dụng giảm thiểu các bệnh về tim mach giống như công dụng của sữa chua.
Ngoài các lợi ích cho sức khoe, sữa chua còn giúp đem lại cho các chị em một làn da khỏe mạnh và tươi sáng. Một minh chứng rõ nhất là có rất nhiều loại mặt nạ được quảng cáo là có thành phần sữa chua.
Các nghiên cứu khoa học cũng chứng minh mặt nạ có thành phần sữa chua tự nhiên giúp cho độ ẩm, độ sáng và độ đàn hồi của da được cải thiện, đồng thời chống lão hóa da.
Như vậy, sữa chua không chỉ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, mà còn làm đẹp da và giảm cân nữa. Thật tuyệt vời đúng không nào!
Ngoài ra, sữa chua cũng có tác dụng trong việc tạo nên những thứ đồ uống, món ăn ngon nữa. Chỉ cần một chút sữa chua với một chút nếp cẩm, hay trân châu, thạch dừa là bạn đã có một cốc giải khát thật là ngon và sảng khoái.
Sữa chua cũng được sử dung trong làm bánh hay nấu ăn nữa. Các bạn đừng quên tham khảo những mẹo sử dụng sữa chua trong bài Cách Làm Sữa chua của chúng mình nhé.
Tác dụng của sữa chua thật vô biên. Nhưng cần lưu ý gì khi lựa chọn và sử dụng sữa chua?
Hãy cùng tìm hiểu thêm nào!
Hiện nay, có 3 loại sữa chua cơ bản: sữa chua truyền thống, Hy Lạp, và thuần chay (non-dairy).
Sữa chua truyền thống là loại sữa chua nguyên thủy lên men từ sữa động vật như bò, dê,...
Sữa chua Hy Lạp là phiên bản sữa chua đậm đặc và nhiều kem hơn sữa chua truyền thống do đã được loại bỏ bớt nước. Tuy sữa chua Hy Lạp mới du nhập vào Việt Nam vài năm gần đây, nhưng đã nhanh chóng được yêu thích và sử dụng rộng rãi.
Sữa chua thuần chay là loại được làm từ sữa không có nguồn gốc động vật mà từ các loại hạt như hạnh nhân, đậu nành,... Loại này ít phổ biến nhất. Và ở Việt Nam, hầu như không thấy một thương hiệu sữa chua loại non-dairy nào. Tuy nhiên, ở nước ngoài nó lại được bán khá nhiều.
Ngoài ra, các nhà sản xuất còn tạo ra vô vàn loại khác nhau bằng cách thay đổi thêm các hương vị hoa quả hay mật ong. Họ cũng có thể thay đổi thành phần chất béo, đường để tạo ra sữa chua không béo, ít béo, và nguyên béo hay không đường, ít đường và có đường.
Sữa chua thật đa dạng phải không các bạn. Chúng mình tha hồ lựa chọn theo khẩu vị và nhu cầu sử dụng nhé.
Câu trả lời là CÓ.
Bởi trong sữa chua cũng có một hàm lượng chất béo và lượng đường khá cao.
Trong hầu hết các loại sữa chua thì lượng chất béo đều khá cao. Đây là những loại chất béo tốt cho sức khỏe nhưng tất nhiên chúng cũng mang nhiệt lượng nhất định nên ăn nhiều sẽ bị tăng cân.
Bản thân sữa chua chứa ít đường tự nhiên. Nhưng hiện nay trên thị trường, sữa chua lại được bổ sung 1 lượng đường đáng kể. Cho nên tốt nhất là bạn nên ăn sữa chua không đường. Bạn có thể cho thêm mật ong hoặc dùng chung với các loại hoa quả như 🍌, 🍓, 🍒 để tạo vị ngọt tự nhiên.
Ngoài ra, tuy sữa chua có tác dụng giảm cân, bạn chỉ nên ăn tối đa 2 hộp sữa chua mỗi ngày thôi nhé.
Và bởi vị lượng đường được bổ sung trong sữa cao, nên bạn cần chú ý khi cho trẻ con ăn các loại sữa chua đóng hộp. Với trẻ em chỉ cần ăn 1 hộp sữa chua có đường là đã dung nạp vượt quá lượng đường cho phép trong ngày. Khi hấp thụ một lượng đường lớn như vậy rất có hại cho sức khỏe.
Do đó, các bạn hãy lưu ý sử dụng sữa chua thật đúng cách để cơ thể hấp thụ tất cả các lợi ích của sữa chua.
Không dung nạp Lactose là hiện tượng cơ thể không tiêu hóa được thành phần đường Lactose có trong sữa 🥛. Biểu hiện của tình trạng này là xuất hiện cảm giác khó chịu, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy hoặc buồn nôn sau khi dùng sữa khoảng 30 phút đến 2 tiếng.
Tuy nhiên, tin vui là trong trường hợp trên, bạn vẫn có thể ăn sữa chua. Lý do là vì lượng Lactose trong sữa chua thấp hơn trong sữa rất nhiều. Trong sữa chua còn có nhiều lợi khuẩn để thúc đẩy tiêu hóa nên sẽ cải thiện được tình trạng không dung nạp Lactose của bạn.
Nếu bạn vẫn còn lo lắng thì có thể sử dụng các loại sữa chua có nguồn gốc thực vật.
Lại là một chữ CÓ nữa 😊.
Khi làm sữa chua tại nhà, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát lượng đường cũng như không có thêm bất kỳ phụ gia. Do đó, sữa chua tự làm có thể đảm bảo hầu hết các tác dụng của sữa chua.
Tuy nhiên, làm như thế nào? Chỉ cần gõ bàn phím là bạn sẽ có thể tìm thấy rất nhiều cách làm sữa chua khác nhau trên mạng. Và có khi bạn sẽ hoang mang không biết nên theo công thức nào.
Thật Là Ngon đã chia sẻ với các bạn một công thức làm sữa chua ngon, chuẩn tại nhà. Nhưng hôm nay, hãy cùng mình mổ sẻ từng bước thực hiện để hiểu được quy trình làm sữa chua cũng như những lưu ý để đảm bảo có được món sữa chua thành công.
Về nguyên tắc, để làm sữa chua sẽ có 3 bước quan trọng: chọn loại sữa - bổ sung men - ủ sữa.
Được sử dụng nhiều nhất hiện nay là sữa bò tươi và sữa đặc có đường. Lý do là bởi vì sữa 🐮 tươi là phổ biến nhất. Còn các loại sữa khác như sữa dê, sữa cừu thì hiện nay chưa được dùng nhiều do giá thành quá cao. Sử dụng sữa đặc sẽ làm tăng hương vị, độ béo và độ ngọt cho sữa chua.
Bạn có thể dùng sữa tươi không đường, có đường, loại béo nhiều, ít béo và thậm chí là bạn có thể thêm vào sữa bột. Khi sử dụng các loại sữa đã có thành phần đường thì bạn nhớ lưu ý điều chỉnh lượng đường trong công thức làm sữa chua cho phù hợp.
Bạn cũng có thể làm sữa chua từ các loại sữa hạt như sữa đậu nành, sữa dừa, sữa hạnh nhân, sữa gạo,... nhưng hiện nay rất ít người làm. Bởi vì làm sữa chua từ sữa hạt rất khó, tỷ lệ thất bại cao do hàm lượng chất béo và protein thấp.
Bước tiếp theo là bạn chọn loại men bổ sung vào sữa để giúp chuyển hóa sữa thành sữa chua.
Cách thông thường nhất là sẽ sử dụng sữa chua cái - loại sữa chua trắng bán ở các tạp hóa và siêu thị. Trong sữa chua làm sẵn này đã có sẵn men hay chính là các lợi khuẩn. Việc còn lại của bạn là tạo môi trường và điều kiện phù hợp để chúng sinh sôi, nhanh chóng biến sữa của bạn thành sữa chua.
Trên thị trường hiện nay còn có bán có loại men khô. Thay vì dùng sữa chua cái thì bạn có thể dùng men khô. Tùy vào mỗi loại men khô mà có cách làm và ủ khác nhau. Tuy nhiên hiện nay loại men này cũng chưa phổ biến lắm và giá thành cao.
Có vô vàn cách để bạn có thể ủ sữa chua. Nhưng mục đích của việc làm này là duy trì nhiệt độ thích hợp để men có thể sống, phát triển và tạo nên sữa chua.
Vì men cũng là những sinh vật sống nên chúng sẽ sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở một khoảng nhiệt độ nhất định, vào khoảng 40°C. Cho nên bạn chỉ cần lựa chọn 1 cách phù hợp nhất với điều kiện của bạn và đảm bảo yêu cầu về nhiệt độ là những lơi khuẩn sẽ vui vẻ làm công việc chuyển sữa thành sữa chua cho bạn.
Để tiện lợi thì bạn có thể mua các máy ủ sữa chua nhưng giá thành có thể hơi đắt, cũng như sẽ chiếm thêm một diện tích trong căn bếp nhỏ của bạn. Thay vào đó có nhiều mẹo hay để ủ sữa chua đã được chia sẻ. Một trong số đó là bạn phải thường xuyên thay nước trong nồi ủ sữa chua, để nhiệt độ trong nồi luôn đủ ấm cho các "bé" men hoạt đông tốt.
Như vậy là qua bài hôm nay, chúng mình đã biết thêm rất nhiều về tác dụng của sữa chua hiểu được nguyên lý của cách làm sữa chua rồi đúng không nào!
Hi vọng với những chia sẻ này bạn đã biết cách dùng sữa chua đúng cách và làm được mẻ sữa chua thật là ngon nhé!
*Ảnh: Nguồn Internet.