Háo hức với món chè bưởi tự tay làm ở nhà.
Thưởng thức cốc chè bưởi tại nhà không khó khi bạn đã nằm lòng một vài bí quyết trong cách nấu chè bưởi.
Chè là một món ăn quá đỗi bình dị với người dân Việt suốt từ Bắc vào Nam. Hương vị thơm ngon của chè là sự kết hợp giữa các loại ngũ cốc truyền thống, hoa quả tự nhiên và nhiều thành phần có trong bí quyết chế biến của từng vùng. Riêng chè bưởi hẳn là ai có dịp nếm thử đều ấn tượng với phần cùi bưởi giòn giòn dẻo dẻo thơm thơm.
Cá nhân mình được ăn chè bưởi lần đầu là ở chợ Bưởi - Hà Nội. Tên của chúng tình cờ trùng nhau thôi, chứ ở đây không phải đặc sản là chè bưởi đâu ấy 😂 Thời trẻ con chạy nhảy nóng người, có cốc chè mát lạnh ngọt ngọt thì không có gì sung sướng bằng.
Nếu bạn có ý định làm thử chè bưởi tại nhà thì hãy cứ mạnh dạn làm đi nhé! Bởi vì công thức nấu chè bưởi không quá khó đối với người thích vào bếp đâu. Trong các bước làm thì cần chú ý nhất ở khâu sơ chế cùi bưởi sao cho giòn, dẻo và không bị đắng.
Rất nhiều người đã thử nghiệm thành công khi dùng phèn chua để giúp cùi bưởi giòn hơn và không còn vị đắng. Thế nhưng, phèn chua là một chất phụ gia công nghiệp, nếu sử dụng không cẩn thận có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy nên, nhiều người e ngại sử dụng phèn chua trong chế biến thực phẩm.
Bạn hoàn toàn yên tâm vì vẫn có cách nấu chè bưởi mà trong quá trình sơ chế không sử dụng phèn chua mà chỉ cần thao tác ngâm cùng nước muối và vắt trực tiếp bằng tay. Hãy theo dõi bài viết của Thật Là Ngon từ đầu đến cuối để nằm lòng bí quyết nhé bạn!
Chè bưởi gồm nhiều nguyên liệu cần thiết trong khâu chế biến nhưng không khó chọn mua quá đâu. Bạn cứ lần lượt mua đúng và đủ lượng là được nhé!
Phần chọn lựa khó nhất là cùi bưởi. Bạn cần mua bưởi tươi về rồi bổ ra lấy vỏ chứ người ta không sẵn vỏ bưởi để bán mấy.
Trên thị trường cũng có bán cùi bưởi khô để nấu chè bưởi nhưng theo mình bạn không nên mua loại này đâu. Bạn nên mua bưởi tươi, loại có nhiều cùi dày như bưởi da xanh hoặc bưởi Năm Roi nhé! Ruột bưởi bổ dưỡng, căng mọng nước mình ăn liền còn cùi bưởi đem nấu chè là quá hợp lý.
Để có được khoảng 1 kg cùi bưởi, bạn mua 2-3 quả bưởi là được.
Trong công thức mình chọn mua bưởi Năm Roi. Bưởi càng tươi thì cùi càng giòn và dày còn bưởi già cùi sẽ bị xơ. Bạn hãy chọn mua quả cầm chắc tay, màu xanh lá cây đẹp mắt, vỏ bóng bảy, không có vệt nâu vàng sẫm nhé!
Về loại đường trong công thức làm chè bưởi này, mình không dùng đường trắng mà dùng đường vàng hoặc đường nâu khi ngào cùi bưởi và dùng đường thốt nốt khi nấu chè. Như vậy thì chè bưởi sẽ không bị ngọt gắt mà có vị ngọt dịu, thanh mát hơn rất nhiều. Ngoài ra, đường thốt nốt còn giúp tạo màu nâu đẹp mắt cho chè bưởi.
Nước cốt dừa bạn có thể mua sẵn ngoài hàng hoặc mua loại đóng lon. Nhưng ngon nhất là nước cốt dừa tự làm đấy bạn!
Bây giờ mình sẽ hướng dẫn bạn cách sơ chế cùi bưởi nhé! Làm kỹ cùi bưởi thì chè đã thành công khoảng 80% rồi.
Bạn cẩn thận bóc vỏ bưởi, tách lấy cùi sau đó lọc hết phần xơ. Bạn chú ý thao tác nhẹ tay và sử dụng dao sắc để tránh làm cùi bưởi bị rách. Sau đó, bạn thái hạt lựu phần cùi bưởi.
Đến khâu quan trọng nhất trong sơ chế cùi bưởi rồi này! Bạn cần phải làm cho cùi bưởi bớt vị đắng. Có rất nhiều cách để giúp cùi bưởi bớt đắng nhưng cách mình chia sẻ sau đây không chỉ làm cùi bưởi bớt đắng mà còn giòn hơn.
Bạn hoà tan muối hạt vào nước sạch rồi cho toàn bộ phần cùi bưởi đã thái hạt lựu vào ngâm khoảng 30 phút. Vừa ngâm, bạn vừa dùng tay sạch để bóp cùi bưởi.
Quá trình cùi bưởi ngậm nước rồi lại được vắt khô sẽ giúp tiết ra hết chất nhựa đắng bên trong.
Sau đó bạn rửa lại bằng nước sạch nhiều lần rồi vắt cho khô, để ráo nước. Bạn rửa đến khi nếm thử cùi bưởi không còn đắng, mặn hay chua là được.
Kỳ công một chút nhưng chắc chắn sẽ có phần cùi bưởi ngon, giòn các bạn ạ!
Đậu xanh bạn chọn mua loại đã tách vỏ. Bạn đem rửa sạch rồi ngâm trong nước 6 tiếng cho hạt nở ra và bở hơn.
Ở bước này, chúng ta cần chế biến cùi bưởi và hấp chín đỗ xanh trước khi đem nấu chè.
Phần cùi bưởi đã sơ chế xong, bạn đem đun cùng 200 ml nước sạch. Thao tác này giúp cho cùi ngậm một lượng nước vừa đủ để đem ngào với đường cho đỡ bị cháy xém.
Tiếp theo, bạn cho đường nâu vào ngào cùng với cùi bưởi cho đến khi cùi cạn nước.
Bạn lấy khoảng 50 g bột năng đổ vào một âu sâu lòng rồi cho phần cùi đã ngào đường vào rồi xóc lên.
Bạn xóc đều tay để bột năng bám vào các mặt của từng miếng cùi bưởi nhé!
Sau đó bạn cho tiếp 50 g bột năng vào xóc đều. Nếu cùi bưởi vẫn còn hơi dính nhau hay thích ăn lớp bột năng dày chút thì bạn thêm 50 g bột năng nữa vào và xóc thật đều.
Bước này sẽ tạo một lớp áo bên ngoài cùi bưởi cho giòn bên trong, dẻo bên ngoài.
Ăn chè bưởi thấy bên ngoài cùi bưởi cứ dính dính là nhờ lớp áo bột năng đấy bạn!
Cẩn thận một chút thì bạn đổ phần cùi bưởi đã xóc bột năng lên một cái rây và rây nhẹ cho phần bột dư rơi bớt. Bạn cũng cần đảm bảo cùi bưởi tách rời nhau hoàn toàn nhé.
Bạn đun một nồi nước lớn cho sôi, rồi cho cùi bưởi vào luộc. Khi nước sôi lại và cùi bưởi nồi lên hết thì bạn vớt ra một âu nước đá lạnh. Khi cùi bưởi vừa nổi trông nó vẫn trắng đục nhưng bạn đừng lo, khi nguội trong nước đá, nó sẽ trong ra đó.
Bạn ngâm khoảng 5 phút thì vớt cùi bưởi ra để cho ráo nước. Bước ngâm cùi bưởi vào nước đá giúp cùi bưởi giòn hơn.
Để hấp chín đậu xanh, bạn cho vào chõ hấp với mức lửa lớn trong khoảng 20 phút. Để kiểm tra xem đậu đã chín chưa, bạn miết thử vài hạt đậu thấy nát thì là được rồi nhé!
Trước khi hấp bạn xóc đậu xanh với 1 xíu muối và nhớ tạo vài cái lỗ trên xửng hấp để hơi nước bốc lên nhiều và đậu chín đều hơn nhé.
Bây giờ bạn cho 1 lít nước cùng bó lá dứa vào nồi, đun sôi.
Tiếp đến bạn cho đường thốt nốt vào và khuấy cho tan. Bạn có thể chỉnh lại lượng đường tùy theo khẩu vị của gia đình.
Trong lúc đun nước sôi thì bạn hòa tan 100 g bột năng còn lại trong 200 ml nước. Chú ý là bạn không dùng nước nóng nhé vì sẽ làm bột bị vón cục.
Sau khi đã đun cho đường tan hết và vớt bỏ lá dứa thị bạn đổ từ từ vào nồi nước đường thốt nốt. Bạn khuấy đều tay để nước đường sệt lại.
Bạn chờ sôi khoảng 5 phút rồi bắc ra để 15 phút cho nước đường nguội bớt.
Sau đó, bạn thực hiện trộn cùi bưởi, đậu xanh đã được làm chín vào nước đường bột năng là xong món chè bưởi.
Chè bưởi chuẩn vị cần thỏa mãn những yếu tố sau đây, bạn hãy tự chấm điểm thành phẩm của mình nhé!
Chè bưởi ăn nóng rất ngon vào mùa lạnh. Còn thông thường, bạn để nguội rồi múc vào từng cốc/ bát thành từng phần vừa ăn.
Bạn nhớ rưới thêm nước cốt dừa lên trên để ăn cùng nhé!
Đừng dùng luôn nước cốt dừa đóng lon mà hãy đun lên, cho xíu bột năng và đường để được nước cốt dừa đặc đặc giống ngoài hàng nha. Cầu kỳ hơn thì bạn tự vắt lấy nước cốt dừa và đun giống như chúng mình đã hướng dẫn ở đây nhé.
Vào những ngày hè oi bức, không gì tuyệt vời bằng một bát chè bưởi man mát, bùi bùi đậm vị cốt dừa, thoang thoảng hương đậu xanh làm say đắm lòng người. Chè bưởi có mặt khắp các vùng miền trên đất nước Việt Nam.
Nếu như chè bưởi miền Bắc có độ sệt nhẹ, có thể dùng nóng thì chè bưởi miền Nam lại có độ đặc nhiều hơn. Cho chút đá vào rồi đánh nhẹ tay, chè bưởi sẽ loãng ra hơn và rất thơm mát.
Chè bưởi còn là ký ức tuổi thơ của bao thế hệ trẻ thơ. Hẳn trong chúng ta cũng đã từng có kỷ niệm cầm trên tay cốc chè bưởi do người thân mua cho ăn ngoài tiệm hoặc cùng cả nhà ngồi quây quần bên nhau, vừa ăn cốc chè bưởi vừa chuyện trò rôm rả.
Bây giờ khi đã trưởng thành, ta vẫn nhớ mãi không quên những kỷ niệm đẹp đẽ thời ấu thơ rồi lại tiếp tục tạo dựng thêm những kỷ niệm mới bên bạn bè, bên gia đình riêng của mình với sự kết nối là món chè bưởi do ta tự tay chuẩn bị.
Chè bưởi đã len lỏi vào đời sống tinh thần bình dị của người Việt Nam như vậy đó!
Món chè bưởi được coi là hoàn hảo thì hương vị cần ngọt thanh vừa phải, không quá đặc, không quá loãng và phải có được độ sánh nhất định. Một trong những bí quyết để tăng độ thơm và tính thẩm mĩ cho chè bưởi, đó là đặt thêm hoa bưởi vào để trang trí.
Chè bưởi được bày bán trong nhiều cửa hàng chè Sài Gòn, chè Thái Lan, chè thập cẩm,… đa phần là loại chè đã được nấu sẵn, để nguội. Do vậy mà thuận tiện hơn khi đóng gói, vận chuyển những cốc chè thơm ngon tới tận tay người muốn thưởng thức.
Chè bưởi tính ra thì cũng khá kỳ công trong khâu chế biến, nhất là trong quá trình sơ chế cùi bưởi. Thế nhưng, thành phẩm có được sẽ khiến chúng ta cảm thấy hào hứng rất nhiều. Những bà nội trợ khéo tay hay làm, sẵn sàng chia sẻ bí quyết của riêng mình trên khắp các cộng đồng mạng. Có nhiều chị em phụ nữ tự tin đăng bán thành phẩm của mình và được nhiều khách hàng tin tưởng tìm mua.
Điểm đặc sắc của chè bưởi cốm non là ở màu xanh lá cây độc đáo. Cùi bưởi được ngâm và luộc cùng nước ép lá dứa cho lên màu xanh đẹp mắt. Và đặc biệt thay vì cho đậu xanh, người ta cho hạt cốm non thơm bùi vào.
Sau khi cho bột năng vào nước đường thốt nốt, bạn cho cốm và chút tinh dầu lá dứa vào đun sôi lại là được. Đổ thêm phần cùi bưởi vào nữa là đã có nồi chè bưởi cốm non xịn xò rồi.
Chè bưởi Việt Nam ăn kết hợp cùng với sợi bột màu xanh là thành phần không thể thiếu trong món chè Thái Lan đã tạo nên một sự giao thoa văn hóa đặc sắc. Hương vị của chúng rất ngon khi kết hợp với nhau và là món "best seller" trong những quán chè kiểu Thái bán trên đất Việt.
Bạn cũng có thể thay thế phần thạch xanh xanh trong chè Thái bằng bột khoai. Bạn cũng luộc bột khoai riêng, khi ăn thì thêm vào cùng chè là được rồi.
Cũng giống như bánh trôi ngũ sắc, chè bưởi cũng được làm mới với cách tạo màu cho những miếng cùi bưởi để cốc chè thêm hấp dẫn.
Trước khi áo bột năng bạn trộn cùi bưởi với một chút nước tạo màu rau củ tự nhiên. Chả hạn như màu tím từ nước ép lá cẩm, màu xanh lá từ nước ép lá dứa, màu vàng từ nước cốt củ nghệ, màu xanh nước biển từ nước ngâm hoa đậu biếc, màu đỏ từ nước ép củ dền,...
Ngoài kiểu để cùi bưởi hình hạt lựu, bạn cũng có thể thái sợi cùi bưởi để tạo cho món chè bưởi một diện mạo mới.
Tầm độ xế chiều, lúc đó bụng đã bắt đầu đói meo rồi. Có bát chè bưởi thơm ngon mà ăn thì thật lý tưởng bạn nhỉ?
Người thân của bạn mà được ăn chè bưởi do chính tay bạn làm thì thể nào cũng tấm tắc khen ngon và dành tặng những lời nói có cánh cho bạn đấy.
Bí quyết trong cách nấu chè bưởi đã có rồi này, chỗ mua nguyên liệu bạn cũng hình dung mường tượng ra được rồi ấy chứ. Vậy thì khi nào sắp xếp được thời gian, hãy trổ tài ngay thôi.
Hoàn thành món chè bưởi rồi, có khi bạn lại hứng thú làm thử thêm mấy món chè khác như chè chuối khoai mì, chè khoai dẻo, chè bắp Hội An,... Sẽ không thiếu sự lựa chọn đâu.
Và đừng quên Thật Là Ngon có rất nhiều công thức món tráng miệng đang đợi bạn chinh phục nhé!
*Ảnh: Nguồn Internet