Loại hạt dinh dưỡng thần kỳ
Chắc hẳn mọi người ai cũng đều biết đến món hạt dẻ nướng bùi béo, thơm nức mũi đúng không nào? Thế nhưng ít ai biết rằng ngoài hương vị thơm ngon, hạt dẻ còn giàu dinh dưỡng và rất nhiều lợi ích cho cơ thể con người.
Không phải ngẫu nhiên mà hạt dẻ lại có được danh xưng là “vua của các loại quả khô” đâu. Hãy cùng Thật Là Ngon khám phá xem những tác dụng tuyệt vời của hạt dẻ cũng như cách lựa chọn và bảo quản chúng nhé!
Các loại hạt dẻ 🌰 ăn được là hạt của các cây thuộc chi Dẻ Trùng Khánh (Castanea), họ Sồi Dẻ (Fagaceae). Có 8-9 loài trong chi Dẻ nhưng phổ biến nhất là 4 loài dẻ bao gồm: dẻ Nhật Bản, dẻ Trung Quốc (dẻ Trùng Khánh), dẻ châu Âu (dẻ thơm) và dẻ châu Mỹ.
Tại Việt Nam, loại dẻ được trồng nhiều nhất là dẻ Trùng Khánh, ở Trùng Khánh của Cao Bằng và Sapa của Lào Cai.
Quả hạt dẻ được bao bọc bởi lớp vỏ xù xì, nhiều gai. Khi chín cây, quả sẽ tự rụng xuống đất vào khoảng từ tháng 9 cho đến hết tháng 10 dương lịch hàng năm.
Khoảng 50% khối lượng của hạt dẻ là tinh bột (Carbs). Đây chính là thành phần mang tính chất quyết định giúp tái tạo năng lượng cho toàn bộ cơ thể. Vì thế, hạt dẻ là một sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai vận động nhiều.
Tuy là một loại thực phẩm giàu carb, một phần không nhỏ carb trong hạt dẻ là chất xơ. Một số nghiên cứu cho thấy chất xơ có thể đóng một vai trò có lợi cho sức khỏe đường tiêu hóa, tăng các chủng vi khuẩn tốt trong dạ dày, mang lại lợi ích tốt cho sức khỏe.
So với các loại hạt khác, hạt dẻ là loại chứa nhiều vitamin C nhất. Bạn sẽ bất ngờ khi biết 100 g hạt dẻ sấy khô cung cấp gần 50% lượng vitamin C cần thiết mỗi ngày của cơ thể. Vitamin C tham gia vào quá trình tổng hợp nhiều chất, hỗ trợ sản sinh ra interferon - loại protein được cơ thể tạo ra để chống lại các tác nhân gây bệnh, từ đó tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Hạt dẻ chứa nhiều kali, một khoáng chất giúp cơ thể có một trái tim khỏe mạnh. Kali giúp duy trì nhịp tim ổn định, hạn chế nguy cơ tăng huyết áp và phòng ngừa xơ vữa động mạch.
Theo số liệu nghiên cứu, những người bổ sung đầy đủ lượng kali cần thiết (≈3500 mg/ngày) sẽ giảm mắc bệnh đột quỵ lên tới 16% và duy trì được huyết áp ổn định hơn – đây là hai yếu tố chính dẫn đến nhiều bệnh về tim mạch.
Lượng axit folic dồi dào trong hạt dẻ giúp hình thành hồng cầu và tổng hợp DNA cho cơ thể. Đây là giải pháp hiệu quả, tự nhiên và an toàn để ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Đối với phụ nữ mang thai, axit folic còn giúp thai nhi ngăn ngừa dị tật ở tai giữa.
Bên cạnh đó, với sự hiện diện của khoáng chất vi lượng đồng và sắt, cơ thể sẽ được thúc đẩy quá trình hình thành tế bào máu, giảm nguy cơ thiếu máu.
Thành phần mangan trong hạt dẻ có công dụng chống oxy hóa cực mạnh, loại bỏ gốc tự do gây hại bên trong cơ thể, giảm nguy cơ mắc ung thư.
Trong 100 g hạt dẻ rang hoặc sấy khô chỉ chứa 1,5-2 mg mangan nhưng nó chiếm đến hơn 50% lượng mangan cần thiết cho cơ thể một ngày. Do đó, để có một cơ thể khỏe mạnh và đề phòng căn bệnh ung thư, chúng ta nên ăn bổ sung hạt dẻ thường xuyên.
Ngoài ra, trong hạt dẻ còn chứa aescin giúp hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư gan và đa u tủy. Tuy còn cần nhiều nghiên cứu kiểm chứng, các thí nghiệm trên tế bào ung thư tuyến tụy và ung thư phổi cho thấy aescin có khả năng tiêu diệt các tế bào này.
Hạt dẻ rất giàu các hợp chất flavonoid như quercetin và kaempferol cùng với aescin, giúp chống oxy hóa mạnh do nó có khả năng giúp ngăn ngừa các gốc tự do gây tổn thương tế bào.
Mọi người, đặc biệt là phụ nữ được khuyên dùng hạt dẻ thường xuyên để không chỉ khỏe mạnh từ bên trong mà còn trẻ đẹp từ bên ngoài.
Vitamin B giúp hỗ trợ quá trình sản xuất tế bào máu đỏ cho cơ thể. Nó cũng góp phần phá vỡ các protein, giúp chuyển hóa tinh bột và chất béo thành năng lượng cung cấp cho cơ thể, tăng cường khả năng não bộ.
Cụ thể, theo chuyên gia y tế, nếu cơ thể thiếu hụt vitamn B6 sẽ gây nên các bệnh về não như giảm trí nhớ, bệnh Alzheimer ở người già. Trong khi đó, vitamin B12 giúp ngăn ngừa bệnh thoái hóa thần kinh, ngăn ngừa suy giảm chức năng của hệ thống thần kinh và não bộ.
Và chỉ với 100 g hạt dẻ rang bạn sẽ cung cấp cho cở thể ¼ lượng vitamin B6 cần thiết cho một ngày. Không quá khó để giúp trí não hoạt động tốt phải không các bạn?
Bên cạnh đó, đồng, một khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thần kinh trung ương, giúp sản xuất năng lượng và chuyển hóa sắt, cũng là một trong những chất dinh dưỡng chính có trong hạt dẻ. Một khẩu phần 100 gram cung cấp khoảng 25% lượng đồng cần thiết hấp thụ hàng ngày.
Thoạt nghe có vẻ vô lý nhỉ nhưng hoàn toàn có căn cứ đấy các bạn ạ. Tác dụng này là nhờ chất aescin có trong hạt dẻ.
Một nghiên cứu thực hiện trong hai tháng trên 100 nam giới bị vô sinh do giãn tĩnh mạch thừng tinh (Varicocele) đã chỉ ra rằng nếu dùng 30 mg aescin trong 12 giờ, mật độ, khả năng vận động và chất lượng của tinh trùng sẽ được cải thiện. Đồng thời, kích thước tĩnh mạch thừng tinh giảm khi uống aescin.
Vì vậy, việc bổ sung aescin một cách tự nhiên như ăn hạt dẻ có thể giúp cải thiện tình trạng vô sinh ở nam giới.
Theo Đông y, hạt dẻ có vị ngọt bùi, tính ấm, dễ đi vào 3 kinh tỳ, vị, thận. Do đó, hạt dẻ vô cùng tốt cho dạ dày. Ngoài ra, với một số bệnh như tiêu chảy, suy nhược cơ thể, đau nhức xương khớp, viêm loét miệng lưỡi…, ta có thể dùng hạt dẻ kết hợp với một số thực phẩm khác để chế biến thành bài thuốc phù hợp.
Có thể thấy, hạt dẻ có rất nhiều công dụng và vô cùng tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cứ ăn hạt dẻ là sẽ tốt. Để tối đã những tác dụng mà hạt dẻ mang lại, có một số điều cần lưu ý như sau:
Hạt dẻ chưa qua chế biến có thể gây ra tình trạng đầy hơi, chóng mặt, đau đầu hoặc ngứa. Nếu nghiêm trọng hơn, có thể xảy ra một số biến chứng như ngộ độc, co giật, hôn mê,… Vì thế, bạn nên sử dụng hạt dẻ sau khi đã qua chế biến để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Hạt dẻ nên ăn trong các bữa phụ, khoảng 9-10 giờ sáng hoặc 3-4 giờ chiều để tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Một người bình thường được khuyên dùng tối đa 10 hạt trong một ngày.
Đối với những người có vấn đề về dạ dày, hạt dẻ sẽ thúc đẩy dạ dày sản xuất axit, khiến dạ dày bị tạo áp lực hơn gây khó tiêu, đau dạ dày hoặc táo bón.
Trong khi hạt dẻ rất tốt cho những người vận động hay tập thể dục, thể thao nhiều vì lượng carbs dồi dào, thì những người đang trong quá trình ăn kiêng theo chế độ low-carb nên tránh sử dụng hạt dẻ.
Cũng do hạt dẻ có khả năng gây đầy hơi, táo bón và lượng tinh bột cao, phụ nữ sau khi sinh hay bệnh nhân đang trong thời kỳ hồi phục, người bị sốt rét, tiểu đường được khuyến cáo hạn chế sử dụng loại thực phẩm này.
Theo các chuyên gia, hạt dẻ tại Việt Nam được trồng chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng và Lào Cai, tuy nhiên số lượng dẻ rất ít.
Trên thị trường hiện nay, hạt dẻ được rao bán rất nhiều và với số lượng lớn. Lượng hạt dẻ này chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Với đại đa số tâm lý người tiêu dùng không thích các sản phẩm của Trung Quốc, nên các đầu mối bán buôn, bán lẻ thường rao bán dưới mác hạt dẻ chính gốc Việt Nam.
Vậy làm sao để nhận biết và phân biệt?
Hạt dẻ Trung Quốc có hạt to, tròn, vỏ mỏng và bóng bẩy, màu nâu đen, không có lông tơ. Khi luộc chín, hạt không có mùi thơm và nhân có màu trắng hoặc vàng rất nhạt.
Hạt dẻ Sa Pa thường có kích thước nhỏ hơn so với các loại khác. Hình dáng bên ngoài của hạt dẻ Sa Pa sẽ hơi méo, kích thước ba chiều gần bằng nhau, vỏ màu nâu sẫm, rất bóng, trên vỏ có lớp lông tơ màu trắng hơi nhạt. Vỏ lụa bên trong mỏng, dễ bóc, nhân hạt có màu vàng đậm, vị ngọt, bùi, thơm ngậy.
Còn với hạt dẻ Trùng Khánh: hạt có vỏ bóng, cứng và dày, màu nâu tươi, ngoài vỏ có một lớp lông màu nhạt, khứa hạt ra có màu vàng đậm. Khi luộc, rang hoặc nướng, ta sẽ ngửi thấy hương thơm tự nhiên và vị ngọt bùi.
Hạt dẻ Trung Quốc được bán trôi nổi quanh năm và không lo bị hỏng dù có để rất lâu. Trong khi đó, hạt dẻ Sa Pa và hạt dẻ Trùng Khánh chỉ xuất hiện vào cuối thu, đến cuối thu đầu đông, khoảng tháng 10 đến tháng 11 là mùa dẻ chín.
Khi lựa chọn mua hạt dẻ, bạn nên chú ý vào vào màu sắc của hạt, chọn loại vỏ màu nâu bóng, các các sợi lông tơ nhìn vẫn còn tươi. Hạt dẻ thấy còn cứng, không bị mềm khi bóp thử, khi lắc hạt không có tiếng kêu là hạt còn tươi và ngon.
Khi rang hay nướng, nhân bên trong không bị đen đầu, có màu vàng trông rất bắt mắt, đồng thời có mùi thơm rất đặc trưng.
Ngược lại, hạt dẻ kém chất lượng thường có màu nâu sậm không tự nhiên, vỏ sần sùi, chứng tỏ chúng đã bị để rất lâu và có thể bị hỏng, thối bên trong.
Đối với hạt dẻ tươi sống, không có chất bảo quản thì sẽ rất dễ bị nấm mốc, chỉ duy trì được chất lượng tốt nhất trong vòng 7-10 ngày.
Vì vậy, nếu với số lượng ít, bạn để hạt dẻ ở nơi khô thoáng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Bạn có thể trải xuống nền nhà hoặc cho vào túi bóng để ngăn mát tủ lạnh. Nếu muốn dự trữ lâu hơn, bạn nên cho vào khay hoặc hộp nhựa, để ngăn đá thì sẽ bảo quản được trong vòng 1 tháng.
Đối với hạt dẻ chín: nếu để dưới 3 ngày, bạn chỉ cần để bên ngoài nơi thoáng khí và khô ráo. Nếu trên 3 ngày, bạn bảo quản trong hộp nhựa và cho vào ngăn mát tủ lạnh, khi lấy ra dùng cho ra rang lại hoặc quay lại trong lò vi sóng.
Sau khi tìm hiểu những kiến thức về tác dụng của hạt dẻ, các bạn hãy bổ sung hạt dẻ vào thực đơn dinh dưỡng một cách thật hợp lý nhé.
Và đừng quên tiếp tục ủng hộ Thật Là Ngon để chúng mình có thêm những bài viết chất lượng và thú vị hơn nhé!
*Ảnh: Nguồn Internet.